Hàng loạt đầm tôm bỏ hoang
Những ngày này, đi về các địa phương từng là “điểm nóng” trong phong trào nuôi tôm tự phát ở Quảng Nam, không khí người người nuôi tôm, nhà nhà nuôi tôm đã không còn.
Tại Quảng Nam, nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ yếu là nuôi tôm mỗi năm cho từ 2-3 vụ. Năng suất tôm sú là 2-3 tấn/ha/ vụ. Năng suất tôm chân trắng vùng triều là 3-6 tấn/ha/ vụ (đối với ao không lót bạt) và 7-10 tấn/ha/vụ (đối với ao có lót bạt). Từ năm 2008 sản lượng NTTS tăng từ 6-13 tấn do diện tích và năng suất tôm chân trắng tăng, đặc biệt là nuôi tôm trên vùng cát ven biển. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm (Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 267ha ao nuôi tôm lót bạt, hiện chỉ có 194ha là thả tôm nuôi. Hơn 70ha ao nuôi còn lại do người dân chưa hoặc không nuôi nữa vì giá tôm xuống thấp”.
Những căn chòi xơ xác, những đầm nuôi tôm bỏ hoang bị muống biển bò lên tràn lan, vỏ bao thức ăn nằm lăn lóc là thực tế hiện nay của rất nhiều hộ nuôi tôm. Những năm trước đây, nuôi tôm thẻ chân trắng được xem là mô hình thoát nghèo của nhiều hộ dân. Thời gian đó nhiều gia đình đổ xô đầu tư máy móc thiết bị cả trăm triệu đồng, đào đầm nuôi tôm. Và thực tế có rất nhiều người đã đổi đời từ những vụ tôm như vậy. Thế nhưng giờ đây đối lập với dĩ vãng ấy là khung cảnh hoang tàn, người dân bỏ trắng hồ nuôi tôm, gia đình nào có vốn thì còn cố bám víu mong được bù lỗ.
Ông Mai Văn Tứ (trú xã Tam Tiến) có 2 hồ nuôi tôm cho biết: “Trước đây làm tôm có lời thiệt nhưng mà giờ ai cũng làm nên thành ra lại mất giá. Liên tiếp mấy năm qua đầu ra không ổn định lại thêm nguồn thu từ thị trường Trung Quốc cũng vô cùng bấp bênh. Làm tôm mà cũng phải chờ thời khổ lắm”. Giá tôm thẻ chân trắng loại lớn nhất 100 con một ký hiện nay có giá khoảng 105.000 đồng. Trong khi đó có lúc 100 con tôm một ký trên có giá từ 150.000 - 160.000 đồng mà không có để bán.
Không chỉ mất vốn làm ăn mà nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ còn lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất khi số tiền thức ăn, vật tư đầu tư cho tôm lên quá cao. Ông Trần Xí (khối phố 2, thị trấn Núi Thành) nói: “Nuôi tôm 3 tháng là 3 tháng lo ngay ngáy. Cũng vì mình là người dân bình thường có biết chữ nghĩa chi mô nên mọi kinh nghiệm nuôi tôm đều phải tự học lấy. Mà tôm thì chỉ cần 1 dấu hiệu bệnh thôi là chết hàng loạt”.
Sự phát triển tràn lan của các đầm nuôi tôm cộng thêm một thực tế hiện nay là khi diện tích nuôi trồng thủy sản tăng cao, thì các địa phương mới bắt đầu loay hoay tìm vị trí quy hoạch đã dẫn đến nhiều bất cập. Để có hướng phát triển tôm nuôi, tháng 4-2014, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt qui hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển giai đoạn 2014 – 2018. Theo đó các xã ven biển được qui hoạch gồm: Bình Hải, Bình Nam (H. Thăng Bình), Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến (H. Núi Thành) với tổng diện tích 285,1 ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 205,9 ha và diện tích mở mới 79,2 ha. Cụ thể H. Núi Thành 148,5 ha (xã Tam Hải diện tích qui hoạch 37,5 ha, xã Tam Hòa diện tích qui hoạch 96 ha và xã Tam Tiến diện tích qui hoạch 15 ha) và xã Bình Nam diện tích qui hoạch 19,8 ha và xã Bình Hải diện tích qui hoạch 116,8 ha.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, theo quyết định qui hoạch này mỗi hộ nuôi phải xây dựng một hệ thống xử lý nước thải riêng biệt hoặc một nhóm hộ trong vùng xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung nhưng phải có người chịu trách nhiệm chính bằng văn bản có chứng nhận của chính quyền địa phương. Hệ thống xử lý nước thải chiếm 20% diện tích sở hữu của mỗi hộ nuôi. Đối với vùng qui hoạch mới, từ mép đê biển vào trong 200 m hoặc cách mực nước thủy triều lên cao nhất 250m là cây phi lao phòng hộ và được bảo vệ nghiêm ngặt. Thiết nghĩ, để phát triển NTTS một cách có hệ thống trong thời gian đến cần lắm một qui hoạch có tính chiến lược, dài lâu. Cơ sở hạ tầng cho NTTS phải được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, bố trí quỹ đất ổn định để tập trung thâm canh. Có được như vậy mới giảm thiểu tác động ô nhiễm lên môi trường và để tận dụng và phát triển hết lợi thế của một tỉnh ven biển.