TIN THỦY SẢN

Hậu Giang: Nguy cơ “xóa sổ” nghề nuôi cá lồng, bè

Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện chỉ còn vài hộ nuôi cá lồng, bè Chí Công

Thời gian gần đây, trước sức ép về giá cả, thị trường, cùng một số nguyên nhân khách quan khác đã khiến cho nghề nuôi cá lồng, bè từng mang lại lợi nhuận khá hấp dẫn đối với người dân huyện Châu Thành có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Hơn 2 năm gắn bó với nghề nuôi cá trên nhánh sông Cái Cui, bà Lê Thanh Kiều, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Thực tế, không khí nuôi cá lồng, bè của người dân ở địa phương hiện đã trầm lắng. Bởi không ít hộ xuất bán cá với giá thấp, dẫn đến thua lỗ, bỏ nghề”.

Người nuôi điêu đứng

Theo bà Kiều, do tận dụng diện tích mặt nước trên các nhánh sông, kênh, rạch nên đối tượng nuôi cá lồng, bè chủ yếu là cá lóc, điêu hồng, thát lát, trê lai. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2017 đến nay, lĩnh vực nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh có nhiều biến động, kéo theo giá một số loại cá nuôi trên thị trường hạ thấp.

Cụ thể, giá cá điêu hồng, cá lóc còn khoảng 25.000 đồng/kg; cá thát lát 35.000 đồng/kg, trung bình sụt giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với thời điểm vài tháng trước đây. Từ đó, không ít hộ nuôi cá trong xóm bị thua lỗ nặng, trong đó có gia đình bà.

Cũng theo bà Lê Thanh Kiều, vào khoảng tháng 11 năm ngoái, gia đình bà đã bỏ vốn hơn 500 triệu đồng để tu sửa lại 4 bè cá kiên cố để thả nuôi cá thát lát thương phẩm. Sau 7 tháng nuôi, đàn cá chuẩn bị xuất bán, với trọng lượng bình quân đạt trên 500 gram/con. Tuy nhiên, trước giá cá sụt giảm mạnh, thương lái không đến thu mua, bà buộc phải bán lẻ cho tiểu thương ở các chợ địa phương và thành phố Cần Thơ, với giá bán 35.000 đồng/kg, còn sản lượng tiêu thụ mỗi ngày từ vài trăm kg đến 1 tấn cá.

Bà Kiều than: “Hiện tôi còn 1 bè cá thát lát, ước sản lượng đạt trên 3 tấn cá, nhưng thương lái không đến coi mua. Vì vậy, bây giờ ai mua bao nhiêu tôi bán bấy nhiêu, giá nào cũng bán, chứ kéo dài thời gian nuôi chỉ có lỗ vốn thêm. Trong khi giá thức ăn cho cá thát lát đã đạt mốc 450.000 đồng/bao 25kg. Với sản lượng cá còn lại trong bè, tôi cho ăn tiết kiệm lắm cũng tiêu tốn không dưới 500.000 đồng/ngày. Do đó, sau khi xuất bán xong, tôi nghỉ nuôi luôn vì lỗ đậm, ước tính không dưới 200 triệu đồng và không biết làm cách nào để gỡ”.

Còn là ký ức

Theo ông Nguyễn Văn Năng, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, thời điểm này của 2 năm trước, mỗi khi đêm về là cả nhánh sông Cái Cui dài gần 1km, thuộc xã Đông Phú luôn rực sáng ánh đèn từ các lồng, bè cá. Còn những hộ nuôi thì quây quần bên nhau để uống trà, chia sẻ kỹ thuật với hy vọng mang lại lợi nhuận cao, góp phần ổn định kinh tế gia đình. Thế mà giờ đây, tất cả hình ảnh đó không còn thấy nữa, vì hầu hết người dân đã bỏ nghề.

Ông Năng chia sẻ: “Nghề nuôi cá lồng, bè ở đây giờ chỉ còn là ký ức. Nhìn những lồng, bè trị giá hàng chục triệu đồng mỗi chiếc trôi nổi, phơi mưa, phơi nắng trên sông, chúng tôi thấy tiếc lắm, nhưng không còn vốn để tiếp tục thả nuôi, còn bán thì chẳng ai chịu mua”. Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nhìn nhận: Thời gian qua, việc tận dụng các nhánh sông để nuôi cá lồng, bè ở địa phương mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng, ngành không khuyến khích thả nuôi theo phương thức này vì gián tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường nước mặt và làm cản trở đến quá trình lưu thông bằng đường thủy.

“Hiện trên địa bàn huyện Châu Thành còn vài hộ nuôi cá lồng, bè và đang trong giai đoạn chờ xuất bán để thu hồi vốn. Cho nên tới đây, chúng tôi dự định sẽ mở thêm các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, kết hợp lồng ghép với việc vận động, tuyên truyền để các hộ nghỉ nuôi và thua lỗ nặng có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, cải tạo lại vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, góp phần ổn định kinh tế theo hướng lâu dài”, ông Kiệt khẳng định.

 

Chí Công Báo Hậu Giang