TIN THỦY SẢN

Hậu Giang: Triền vọng sản xuất lươn giống bán nhân tạo

Cán bộ chuyên môn đến thăm và hỗ trợ kỹ thuật. Hữu Hiệp

Mục tiêu của dự án “Ứng dụng quy trình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo” là tạo nguồn lươn giống chất lượng phục vụ cho người nuôi lươn thương phẩm, thay đổi dần tập quán thu gom lươn giống ngoài tự nhiên, nhằm hạn chế rủi ro cho người nuôi lươn thương phẩm.

Khi tham gia dự án, người nuôi được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Tổng kinh phí dự án hơn 120 triệu đồng, thời gian thực hiện 8 tháng, với số lượng 1.000 con lươn bố mẹ. Ông Tống Bửu Sơn, Phó trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Vị Thủy, cho biết: “Dự án ưu tiên chọn những mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo đang hiệu quả để thực hiện dự án. Như vậy sẽ cho hiệu quả cao hơn. Đồng thời, khi dự án thực hiện thành công, làm điểm để người dân đến tham quan và nhân rộng mô hình. Qua đó, giúp cho bà con nông dân thấy được sự khác biệt của con giống tự nhiên và con giống nhân tạo để có hướng thay đổi thói quen chăn nuôi trong thời gian tới”.

Là người đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo, nên ông Lê Văn Dững, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, được chọn tham gia triển khai dự án. Qua đó, ông Dững được đưa đi tham quan những mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo đã thành công ở đơn vị khác, tham gia tập huấn do Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức và được cán bộ chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật đã giúp cho ông có thêm nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Năm nay, ông Dững mạnh dạn mở rộng mô hình, với quy mô 3.000 con lươn bố mẹ, hiện lươn đã bắt đầu sinh sản, đang chuẩn bị thu hoạch lươn con. Với số lượng lươn giống tăng gấp 10 lần so với năm rồi, nhưng vẫn không đủ bán vì đã có nhiều người đặt mua. Ông Dững cho biết: “Khi người dân lại mua lươn giống về nuôi, tôi hướng dẫn toàn bộ quy trình nuôi; đồng thời bảo hành 100% cho người nuôi, chứ đem về lươn chết là tôi không nhận tiền, bởi vậy được người ta tin tưởng nên sản xuất bao nhiêu cũng không đủ bán”.

Đến với nghề nuôi lươn sinh sản chỉ vì đam mê và cho lợi nhuận rất cao, lúc đầu ông Dững nuôi lươn thương phẩm, nhận thấy nguồn lươn giống khan hiếm, nhất là khó mua được lươn giống chất lượng về nuôi, nên ông tự nghiên cứu tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm từ từ. Qua 3 năm, ông Dững đã thành công với mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo. Năm vừa rồi, ông Dững thả nuôi 300 con lươn bố mẹ, ông thu hoạch được khoảng 50.000 con lươn giống, với giá bán 700.000 đồng/kg (200 con/kg), sau khi trừ hết chi phí ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Ông Dững chia sẻ: “Để nuôi lươn không bị hao hụt, trước tiên phải chọn loại đất sét thật dẻo, xử lý hết phèn, độ pH phù hợp, rồi trồng cỏ sao cho cỏ tốt, để bộ rễ kết được đất không cho đất bị lở. Ngoài ra, rễ của cỏ cho lươn con có chỗ để bám”.

Theo ông Dững, lươn bố mẹ chỉ sinh sản 3 lần trong năm là không còn sinh sản nữa, khi đó, bán số lươn bố mẹ này đủ chi phí tiền thức ăn cho lươn con từ khi mới nở đến khi bán lươn giống. Thức ăn cho lươn con mới nở chủ yếu là cá biển. Bình quân 1kg lươn mới nở đến khi bán khoảng 3 tháng, chỉ tốn khoảng 3,5kg thức ăn. “Nuôi lươn cho lợi nhuận rất cao, mình đầu tư vô 1 có thể lấy lại nhiều lần, vì tính các khoản khi con lươn nuôi từ nhỏ đến khi sinh sản khoảng 6 tháng, thí dụ mỗi lần sinh sản 500 con lươn con thôi, thì mình lời trọn 500 con đó, khi bán lươn bố mẹ đủ cho các khoản chi phí ban đầu”, ông Dững cho biết thêm.

Mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đặc biệt là với những hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ.  Hy vọng thời gian tới mô hình sản xuất lươn giống sẽ thành công và được nhân rộng để đáp ứng đủ nhu cầu lươn giống chất lượng, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả và mang lại thu nhập cho gia đình.

Hữu Hiệp Báo Hậu Giang