Hiệu quả mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm
Mô hình nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm đang là mô hình phát triển bền vững về kinh tế cho người dân ấp Má Tám, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân.
Năm 2009, từ 4 hộ nuôi thành công vụ sò huyết kết hợp với tôm, đến nay ở ấp Má Tám nhân rộng ra 35 hộ nuôi thành công mô hình này. Chỉ 1 ha đất sản xuất sử dụng nuôi sò, mỗi năm thu nhập không dưới 30 triệu đồng.
Ông Tô Văn Hoàng là người tiên phong của mô hình nuôi sò huyết trên vuông tôm. Năm 2008, ông mạnh dạn đầu tư thả 1 tấn sò giống trên diện tích nuôi 3 ha, sau 7 tháng nuôi ông bắt đầu thu hoạch được 4 tấn sò thương phẩm. Sau khi trừ chi phí ông còn lãi 80 triệu đồng.
Cộng với thu nhập từ tôm sú mỗi năm trên 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu hấp dẫn trên mô hình kết hợp sò huyết và con tôm của người dân trong ấp hiện nay.
Ông Hoàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi: “Để sò mau lớn thì phải lấy nước thường xuyên, nhưng phải chọn nước đục (có phù sa nhiều) để cung cấp dinh dưỡng cho sò. Đặc biệt, nên thả ưu tiên khu vực gần cống vuông tôm. Sò nuôi được 1 tháng phải xả nước cho khô mặt trảng phơi vài ngày, nếu có rong thì phải thu gom hết do rong che ánh nắng mặt trời và sò giống không bám đất được sẽ chết trong giai đoạn này”.
Hiện nay, mô hình nuôi sò huyết được nhân dân ấp Má Tám sản xuất thành công qua từng vụ nuôi, đang trở thành nguồn thu nhập chính khi con tôm đang đối mặt với giá cả và dịch bệnh trong những năm qua.
Do nguồn giống từ Rạch Chèo, Gò Công không đủ cung ứng, các hộ nuôi phải tìm con giống tận tỉnh Bến Tre để thả nuôi, mặc dù chất lượng không tốt như con giống tại địa phương.
Điều người nuôi sò luôn trăn trở là giá cả sò thương phẩm không ổn định nên thu nhập từ sò huyết chưa cao.
Bí thư chi bộ Nguyễn Minh Bền cho biết thêm: “Nhiều hộ trong ấp muốn thực hiện mô hình nhưng đang khó khó khăn về vốn, các thành viên chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ thành lập hợp tác xã để tìm nguồn vốn và đầu ra ổn định cho các hộ dân được tiếp cận thực hiện mô hình này”.
Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thắng Lê Hoàng Song khẳng định, mô hình nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm đang mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây. Khi hợp tác xã nuôi sò được hình thành, người dân sẽ được đầu tư vốn và kỹ thuật nuôi.
Từ đó, phổ biến nhân rộng trong toàn xã để từng bước cải thiện kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.