TIN THỦY SẢN

Hiệu quả nhờ mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn

Nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn ở Công ty CP Thực phẩm Bim tại khu Động Linh, phường Minh Thành Quang Minh

Với mô hình nuôi tôm thâm canh truyền thống mặc dù cho hiệu quả kinh tế tương đối cao nhưng lại có tính rủi ro lớn. Bởi vì do yếu tố thời tiết và khí hậu diễn biến bất thường, nên tôm nuôi thường hay mắc dịch bệnh. Do đó một số doanh nghiệp và người nuôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi công nghệ cao theo hướng công nghiệp. Qua đánh giá chung thì mô hình này đã và đang cho hiệu quả kinh tế rõ nét, mở ra hướng đi mới cho kinh tế thủy sản của Quảng Yên.

Một trong những cơ sở đầu tiên trên địa bàn TX Quảng Yên triển khai mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn là Công ty CP Thực phẩm Bim tại khu Động Linh, phường Minh Thành.

Trao đổi về mô hình của doanh nghiệp, anh Lê Quang Tùng, cán bộ kỹ thuật của Công ty, cho biết: Chúng tôi tổ chức mô hình nuôi tôm tại khu vực này từ năm 2001 với diện tích nuôi thâm canh 251ha. Mặc dù mô hình này cho hiệu quả kinh tế tương đối cao nhưng lại có tính rủi ro cao. Bởi vì do yếu tố thời tiết và khí hậu diễn biến bất thường, nên tôm nuôi thường hay mắc dịch bệnh. Chính vì vậy, từ năm 2014, lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo tiến hành nuôi thí điểm mô hình công nghệ cao trên diện tích 30ha. Ngay vụ đầu thí điểm, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ nét với năng suất khoảng 20 tấn/ha. Đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của doanh nghiệp ở cơ sở này đã được doanh nghiệp duy trì thường xuyên gần 80ha với sản lượng không ngừng tăng lên sau mỗi năm. Nếu như năm 2016, tổng sản lượng tôm thương phẩm của cơ sở đạt 1.400 tấn thì năm 2017 đã tăng lên 2.000 tấn. Dự kiến, năm 2018 sẽ cho sản lượng 2.400 tấn.

Cùng với mô hình của Công ty CP Thực phẩm Bim, hiện nay, trên địa bàn TX Quảng Yên đã có một số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ đó đã làm cho năng suất nuôi tôm thâm canh trung bình của địa phương trong năm 2017 đạt 6,8 tấn/ha (tăng 1,7 tấn/ha so với với năm 2016). Tuy nhiên, đây là mô hình mới lại đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn. Hiện nay, để đầu tư được 1ha nuôi tôm theo mô hình này phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để làm hệ thống mái che. Việc đầu tư mái che là yêu cầu bắt buộc để triển khai mô hình này nhằm hạn chế những điều kiện bất lợi của thời tiết như: Nhiệt độ giảm thấp vào mùa đông, mưa kéo dài vào mùa hè…

Việc thiết kế ao nuôi cũng phải thay đổi. Nếu như trước kia, diện tích mỗi ao bình quân 5.000 m2 thì với mô hình này chỉ được áp dụng với diện tích từ 1.500 – 2.000 m2/ao. Các chỉ số nhiệt độ, môi trường nước cũng đòi hỏi rất nghiêm ngặt đối với nuôi tôm công nghệ cao. Về nhiệt độ phải đảm bảo ổn định từ 25-31 độ C; về nguồn nước phải đảm bảo độ PH từ 76-82%, kiềm từ 100 -130mg/l; độ mặt từ 15-25mg/1.000l và mật độ thả từ 350-400 con/ m2..

Về kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng theo 3 giai đoạn chuyển ao. Tức 1 tháng đầu tiên ương nuôi ở hệ thống bể trong nhà có mái che, mật độ nuôi cao, với điều kiện chăm sóc đặc biệt. Sau 1 tháng, tôm nuôi được chuyển ra hệ thống bể lớn hơn, với mật độ thưa hơn, và được nuôi ở hệ thống bể với thời gian 1 tháng tiếp theo.  Giai đoạn sau cùng là chuyển ra hệ thống ao nuôi ngoài trời không có mái che, được nuôi với thời gian 1 tháng thì thu hoạch. Trong suốt thời gian nuôi chủ yếu sử dụng các chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường. Ưu điểm nổi trội của công nghệ này là giúp tôm lớn nhanh, hạn chế việc ô nhiễm môi trường và mầm bệnh phát triển, chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm được nâng lên.


Cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Thực phẩm Bim kiểm tra con giống nuôi ở giai đoạn 1.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn nên để phát triển được nghề nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao thì TX Quảng Yên cần phải đánh giá toàn diện, xây dựng quy hoạch tổng thể và có cơ chế khuyến khích phù hợp để các tổ chức, cá nhân yêu tâm mở rộng diện tích nuôi, thả.

Quang Minh Báo Quảng Ninh