TIN THỦY SẢN

Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam thăm Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tại Cơ sở nuôi tôm Anh Khoa Anh Tùng

Anh Nguyễn Văn Vinh ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) là nông dân đầu tiên trong cả nước nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn có mái che đạt hiệu quả cao, hạn chế dịch bệnh, mở ra triển vọng mới cho ngành nuôi tôm thương phẩm.

Có đến 30 năm gắn bó với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Nguyễn Văn Vinh (chủ Cơ sở nuôi tôm Anh Khoa) không ít lần thất bại do môi trường ô nhiễm dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh trên tôm. Với nghị lực vượt khó vươn lên, khát khao đổi mới, dám thay đổi cách nghĩ, cách làm, năm 2015 anh quyết định cải tạo các ao cát lót bạt nuôi tôm kém hiệu quả đầu tư xây dựng ao nuôi bằng bể xi măng hình tròn, mỗi năm thu lãi nhiều tỷ đồng.

Anh Vinh, cho biết: Hiện nay có một số hộ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ áp dụng mô hình nuôi tôm trong bể tròn lót bạt, bể nhựa tròn, riêng nuôi tôm trong bể xi măng tròn có diện tích lớn lên đến 2.000 m2, thì tôi là người thực hiện đầu tiên trong cả nước. Ở mỗi bể nuôi được lắp đặt máy sục khí, hệ thống dẫn và cấp thoát nước riêng biệt, sử dụng lưới che, dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm. Những năm gần đây nhiều hộ nuôi tôm phải “treo đìa” do dịch bệnh, nhưng chưa có vụ nào anh Vinh gặp rủi ro.


Anh Nguyễn Văn Vinh (ngoài cùng bên trái) thực hiện Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn đạt hiệu quả cao.

Với 13 bể nuôi tôm thẻ chân trắng, tổng diện 2,6 ha, sản lượng mỗi năm đạt 300 tấn, Cơ sở nuôi tôm Anh Khoa giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định. Làm ăn khấm khá, anh Vinh quyết định đầu tư hơn 7 tỷ đồng đang xây thêm 10 bể nuôi, nâng tổng số bể nuôi của cơ sở lên 23 bể, tổng diện tích 4,6 ha. Nói về bí quyết dẫn đến thành công, anh Vinh, chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung, có nhiều hộ giàu kinh nghiệm và đủ tiềm lực nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, nhưng do diện tích nuôi hạn hẹp nên không thực hiện được. Để triển khai Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn, tôi đã vận động bà con quanh vùng sang nhượng 10 ha đất. Nhờ có quỹ đất rộng, khoảng cách giữa các bể nuôi thông thoáng, tạo môi trường trong lành giúp tôm phát triển nhanh, khả năng đề kháng các loại dịch bệnh cao.

Những năm gần đây nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh phát triển theo chiều sâu. Do tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng, nên hộ nuôi tuân thủ kế hoạch mùa vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chú trọng hơn đối với các điều kiện sản xuất an toàn, cùng nhau hợp tác, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng lên tầm cao mới, trong đợt đi thăm Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn tại Cơ sở nuôi tôm Anh Khoa vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành đánh giá hiệu quả mô hình, phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, quy hoạch vùng nuôi tâp trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân phát triển nghề nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững.

Anh Tùng Báo Ninh Thuận