Hiệu quả từ tạo thảm thực vật để nuôi tôm
Những năm đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lượng thức ăn cho tôm dồi dào, môi trường tự nhiên ổn định nên hiệu quả nuôi tôm khá cao mà không cần sự tác động nhiều của người nuôi. Thế nhưng, sau vài năm, đất đai bị suy thoái, môi trường nước bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra, làm cho năng suất thủy sản nuôi bị giảm sút. Từ đó, đòi hỏi phải có sự tác động về kỹ thuật, tìm ra những mô hình sản xuất mới, nhằm phát huy hiệu quả sản xuất.
Nhờ có thảm thực vật mà tôm nuôi phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao.
Xác định tôm nuôi thiếu thức ăn cũng như môi trường không ổn định, qua kinh nghiệm nhiều năm, ông Thái Văn Kía (ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) tận dụng cỏ dưới ruộng và trên bờ vuông, phát cỏ chất thành đống, phơi khô, sau đó thả xuống làm thức ăn cho tôm trong quá trình nuôi quảng canh truyền thống.
Với kỹ thuật đơn giản này, tôm nuôi chẳng những có thức ăn mà còn đảm bảo tốt môi trường nước đầm nuôi. Trên diện tích hơn 1ha, từ khi ông Kía thực hiện “bí quyết” này và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, dần dần tôm nuôi phát triển tốt. Mỗi năm gia đình ông Kía có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Thái Văn Kía chia sẻ: “Nuôi tôm hình thức như thế này hiệu quả rất cao, so với lúc trước đạt gấp năm lần trở lên. Trước đây có nhiều con nước tối đa chỉ được khoảng 200 ngàn đồng, còn bây giờ tới con nước, xuống lú ba bốn đêm là được 5 - 7 triệu đồng”. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân: “Hội Nông dân huyện đã triển khai, nhân rộng giải pháp kỹ thuật này cho bà con nuôi tôm theo mô hình quảng canh truyền thống, giúp tăng tính bền vững và hiệu quả kinh tế”.
Có thể nói, trong sản xuất, nông dân Phú Tân luôn có sự chủ động tìm ra những mô hình sản xuất đa dạng để tăng thu nhập. Với đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động và ý chí vượt khó, nông dân đã tạo nên sức mạnh, từng bước vượt nghèo và đi lên khá giàu.