Hiệu quả về nuôi trồng thủy sản
Xác định nuôi trồng thủy sản là thế mạnh trên cả 3 vùng đồng bằng, gò đồi, ven biển, 5 năm qua, bám sát Nghị quyết số 03 ngày 10/5/2011 của Huyện ủy về phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011-2015, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chỉ đạo UBND các xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 812 ha, trong đó diện tích nuôi tôm đạt 511,5 ha, còn lại là nuôi cá nước ngọt. Sản lượng thu hoạch thủy sản đạt 1.920,5 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 1.496 tấn , sản lượng cá nước ngọt đạt 415 tấn.
Để đạt được kết quả đó, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện đến năm 2020, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, sử dụng đất, phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển bãi ngang đã được phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tổ chức rà soát, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Trong đó, năm 2012 đã chấn chỉnh việc nuôi tôm tràn lan không tuân thủ quy hoạch, chấn chỉnh việc sử dụng đất không đúng mục đích ở một số xã bãi ngang, hạn chế việc cho thuê đất sai quy định. Không những ngăn chặn việc lấn chiếm phá rừng phòng hộ ven biển mà còn chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý và trồng bổ sung phục hồi rừng phòng hộ đã bị lấn chiếm. Chú trọng quy hoạch chuyển đổi đối tượng nuôi ở ao hồ thấp triều kém hiệu quả của vùng ven sông cửa lạch và bãi ngang. Duy trì diện tích nuôi tôm hiện có, phát triển thêm diện tích nuôi cá nước ngọt có quy mô tập trung. Chuyển một số diện tích mặt nước hoang hoá, diện tích đất nông nghiệp, đất lúa 1 vụ kém hiệu quả nhưng thuận lợi cho việc cấp, thoát nước sang nuôi thuỷ sản như ở thôn Hà My, xã Triệu Hòa, An Lưu, xã Triệu Sơn, Nhan Biều, xã Triệu Thượng, Long Quang, xã Triệu Trạch, Đại Hào, xã Triệu Đại, Nại Cửu, xã Triệu Đông, Lưỡng Kim, xã Triệu Phước.
Cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Theo đó, hệ thống điện toàn vùng nuôi tôm được đầu tư 17 trạm biến áp với 48 tuyến đường dây trung, hạ thế có tổng chiều dài trên 70 km, trong đó có 2 tuyến, 2 trạm do nhân dân tự đầu tư mới để phục vụ mở rộng sản xuất. Hệ thống giao thông liên vùng, đường ra khu vực sản xuất và đường nội đồng gồm 26 tuyến chính trên 40 km và mỗi vùng đều có 5-7 tuyến nội đồng phục vụ cho vận chuyển thức ăn, trang thiết bị và thu hoạch sản phẩm thủy sản. Các tuyến chủ yếu là cấp phối, một số tuyến được bê tông hóa. Hệ thống ao hồ nuôi thủy sản được đầu tư mở rộng và nâng cấp ở một số vùng. Ngoài những công trình đã được đầu tư theo chương trình 224 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ trước năm 2011 ở xã Triệu An, Hà La, Duy Phiên, Lưỡng Kim (Triệu Phước), Lệ Xuyên (Triệu Trạch), An Lưu, Đồng Bào (Triệu Sơn), Hà My (Triệu Hòa), Nhan Biều (Triệu Thượng), từ năm 2011 đến năm 2015 được Sở NN&PTNT đầu tư xây dựng mới 7 công trình nuôi thủy sản tập trung, trong đó 4 công trình nuôi thủy sản nước lợ, mặn, 3 công trình nuôi nước ngọt với tổng diện tích 46,5 ha.
Trong 5 năm thực hiện đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn và triển khai cho các hộ xây dựng mới 21 mô hình với 51,7 ha ao hồ nuôi thủy sản. Đưa các mô hình nuôi trồng mới vào ứng dụng và nhân rộng để đa dạng hóa con nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro, phù hợp với điều kiện từng vùng và khả năng đầu tư của nông dân như mô hình nuôi cá dìa, các đối mục, tôm sú xen cua, rau câu, cá lóc bể, cá chình lồng. Phối hợp tổ chức 60 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho hơn 1.800 nông dân, 4 lớp dạy nghề nông thôn về nghề nuôi trồng thủy sản cho trên 200 học viên là cán bộ khuyến nông và chủ hộ nuôi thủy sản. Giới thiệu và khuyến cáo cho nông dân về việc sử dụng con giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Tổ chức ươm nuôi giống tôm tại trại tôm giống xã Triệu Lăng, giống cá tại xã Triệu Sơn và một số nơi khác. Từng năm, từng vụ có khuyến cáo và hướng dẫn về thời vụ, mật độ con nuôi, điều kiện kỹ thuật, đầu tư phương tiện nuôi và xử lý môi trường cho các địa phương và vùng nuôi. Bên cạnh đó, huyện kịp thời bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp thủy sản lồng ghép chương trình xây dựng cánh đồng có thu nhập cao, mô hình VAC và hỗ trợ thuốc clorin để phát triển nuôi thủy sản bền vững.
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt 950 ha, trong đó nước lợ, nước mặn 600 ha, nước ngọt 350 ha. Sản lượng thủy sản nuôi là 3.230 tấn, trong đó tôm 2.620 tấn, cá nước ngọt 610 tấn. Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục rà soát lại quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể bảo đảm kỹ thuật nuôi bền vững, bảo vệ môi trường. Chỉ mở rộng diện tích thủy sản nước mặn, nước lợ khi có các dự án, các doanh nghiệp đầu tư lớn thúc đẩy sản xuất và sử dụng lao động trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người dân vùng biển. Tiếp tục chuyển một số diện tích mặt nước hoang hoá, diện tích đất nông nghiệp, đất lúa kém hiệu quả có điều kiện tưới tiêu sang nuôi thủy sản... góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.