TIN THỦY SẢN

Hòa Binh: Dân khổ, cá chết vì ô nhiễm

Những lồng cá không còn cá ở khu Bãi Sang Đức Long

Cả ngày lẫn đêm, dân nghẹt thở, cá nổ mắt, tróc vẩy, nẩy mụn, chết… do xưởng sản xuất đũa của ông Hứa Văn Thái và xưởng sơ chế dăm tre của Cty TNHH Phương Bắc gây ô nhiễm môi trường.

Phúc Sạn (Mai Châu, Hòa Bình) là xã vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Kinh tế chủ yếu dựa vào nuôi cá lồng. Ông Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn cho biết: “Toàn xã có trên 150 lồng cá, tập trung ở khu Bãi Sang, Gò Mu và xóm Phúc. Một lồng cá bình quân một năm cho thu từ 300 - 350 kg cá thịt, tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng. Nhiều hộ có lao động, có vốn thường nuôi 3 - 4 lồng cá. Đặc biệt, có hộ nuôi tới 6 lồng cá. Con cá đã làm thay đổi đời sống của nhân dân trong xã. Nhiều hộ từ nghèo đói, nhờ nuôi cá lồng, nay đã có của ăn của để. Nhưng 2 năm nay (2011 - 2012), cá lồng bị chết hàng loạt. Mới đây, toàn xã bị chết hơn 1.000 kg cá giống. Nhiều hộ khô lồng. Theo bà con, nguyên nhân cá chết là do môi trường nước vùng hồ bị ô nhiễm”.

Chị Bùi Thị Liên, ở khu Bãi Sang, chủ của 6 lồng cá, nói: “Trước đây khi giao mùa vào tháng 4, tháng 5, cá có chết nhưng chỉ vài con. 2 năm nay cá chết trong tình trạng nổ mắt, tróc vẩy, mình cá mọc đầy mụn. Cá chết hàng loạt, nổi trắng lồng”. Được biết, 6 lồng cá nhà chị Liên, nay dồn lại không còn được trăm con. “Ngày, đêm hít thở khí lưu huỳnh đến nghẹt thở, tức ngực, ho cộng với mùi hôi thối từ bãi rác dăm đũa thải trên bến bốc lên không thể chịu được. Người còn lao đao chứ nói gì con cá dưới nước”, chị Liên bức xúc.

Ông Lò Văn Tịnh, Trưởng xóm Phúc cho biết: “Đầu năm nay, 17 hộ nghèo xóm Phúc được hỗ trợ mỗi hộ 21,5 kg cá giống. Bà con khấp khởi tu sửa lồng, chuẩn bị thức ăn cho cá. Nhưng nhận cá giống về, thả vào lồng mới được hơn chục ngày thì cá chết hàng loạt. Vậy là, gần 500 kg cá giống thành con số không. Để lồng không thì đói. Mua cá giống về nuôi thì sợ cá chết”.  

Mục sở thị khu cảng Bãi Sang mới thấy, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn, chị Liên, ông Tịnh nói không quá lời. Xưởng sản xuất đũa của ông Hứa Văn Thái dựng ngay trên bến cảng. Cửa ra vào cảng thành cửa riêng của xưởng đũa. Chị Liên cho biết: Trước đây khách du lịch, khách hàng thường cho tàu thuyền cập bến lên bờ mua bán trao đổi hàng hóa với đồng bào khu Phúc Sạn, Đồng Bảng, nhất là phiên chợ, tàu thuyền rất nhiều. Khách du lịch sau khi thăm quan vùng hồ thủy điện, thăm đền Bờ vào bến đi Hang Kia, Pà Cò, Mộc Châu… Nay thì bến vắng tanh vì sân bến cảng đã thành xưởng đũa.

Khổ nhất là lúc xưởng đũa tưới hóa chất vào đống dăm đũa, nước sôi lên ùng ục như tôi vôi. Những lúc như thế các hộ dân xung quanh phải tạm bỏ nhà đi nơi khác.

Sát xưởng đũa ông Hứa Văn Thái là xưởng sơ chế dăm tre của Cty TNHH Phương Bắc. Cty này chuyên băm tre, nứa, luồng sau đó ngâm, xử lý tại các bể chứa. Khi chúng tôi đến, Cty nghỉ làm việc nhưng trên nền đất khu sản xuất, nước đọng thành vũng đen kịt. Xưởng, hệ thống bể ngâm ủ dăm chỉ cách mặt nước hồ thủy điện vài bước chân.

Chủ Cty Phương Bắc là ông Trần Duy Phương, thường trú tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Cty này được Sở Kế hoạch - Đầu tư Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 25.04.000138, ngày 3/7/2008, với 10 ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn cơ ngơi, thiết bị máy móc thì không bằng một tổ sản xuất.

Ông Bùi Đình Thảo, Phó trưởng Công an xã Phúc Sạn cho biết: “Cty này mới hoạt động hơn 2 năm nhưng liên tục đổi tên. Hoạt động theo kiểu “kín cổng cao tường”, người ngoài, ngay cả cán bộ xã cũng khó vào. Cty không quan hệ với chính quyền xã, không khai báo hộ khẩu tạm trú. Vì vậy, Cty nằm trên địa bàn nhưng chính quyền xã không nắm được số lao động thường xuyên ăn ở tại đây. Mới đây, nhận được thông tin, trong nhà ở của Cty có vũ khí nóng. Công an xã Phúc Sạn phải đột nhập vào kiểm tra và đã thu được 1 khẩu súng kíp, 1 kiếm”.


Bến cảng Bãi Sang đã thành xưởng đũa.

Nước hóa chất ngâm ủ dăm tre nứa để chế biến bột giấy rất độc hại. Khi người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ gây chết cá, Cty lý giải rằng, nước ngâm ủ được đưa lên xe chở đi nơi khác đổ. Đổ ở đâu thì Cty không nói. Về tác hại của hóa chất ngâm ủ dăm bột giấy, giám đốc một nhà máy sản xuất bột và giấy cho biết: Rất độc. Nước thải ra suối, ao, hồ không qua xử lý thì cá, cua sẽ chết, người lội vào nước hoặc rửa chân, tay sẽ bị ngứa. Do mức độ độc hại cao nên cơ sở sản xuất giấy, bột giấy không bao giờ được phép xây dựng gần sông, suối, đầu nguồn nước và khu dân cư.

Ông Đinh Công Hanh cho biết: Chính quyền xã đã có văn bản kiến nghị về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của xưởng sản xuất đũa của ông Thái và xưởng chế biến ngâm ủ dăm tre Cty TNHH Phương Bắc, gửi UBND huyện Mai Châu. Người dân xã Phúc Sạn đang từng ngày mong ngóng các cơ quan chức năng huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình sớm xử lý 2 cơ sở trên để trả lại môi trường trong lành cho người dân sinh sống vùng hồ, yên tâm phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản.

Đức Long báo Thanh Tra