TIN THỦY SẢN

Học cách làm giàu từ "Tỷ phú" nuôi tôm khét tiếng xứ Nẫu

Đồng tôm ở xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa, Phú Yên của tỷ phú Phạm Rùm. Ảnh: H.P Hùng Phiên

Sau 30 năm rời quân ngũ, cựu binh Trường Sa Phạm Rùm là tỷ phú “khét tiếng” ở vùng quê cát xứ Nẫu - Phú Yên. Với nghề nuôi tôm, mua bán thủy sản và kinh doanh vận tải, gia đình cựu binh Phạm Rùm (52 tuổi, ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) hiện có mức thu nhập 15 tỷ đồng/năm.

Thuận vợ, thuận chồng

30 năm rời quân ngũ, tác phong ông Phạm Rùm vẫn nhanh nhẹn, đậm chất lính. Ông Rùm chia sẻ: “Tôi làm lính biển từ năm 1985 - 1988, ra quân là cưới vợ ngay. Khi đó, vùng bãi sông Bàn Thạch này rộ lên phong trào nuôi tôm sú. Vợ chồng tôi bàn nhau vay mượn khắp nơi để đổ vào nuôi mấy hồ tôm. Hồi đó, môi trường còn tốt nên nuôi đâu thắng đó, trúng liền mấy vụ. Thế rồi nghề nuôi tôm sú cũng trồi sụt, thất bát”.


Ông Phạm Rùm - người được mệnh danh là tỷ phú nuôi tôm khét tiếng xứ Nẫu. 

Bà Huỳnh Thị Năm (vợ ông Rùm) tiếp lời: “Tôm sú đồng loạt thất bại, rất nhiều người trắng tay. Gia đình tôi cũng lâm cảnh nợ nần. Nhưng anh Rùm không chịu thua, anh quyết đầu tư máy móc hiện đại để quản lý môi trường hồ, rồi rẽ hướng...”.

Theo ông Rùm, mọi việc đều phải vừa học vừa làm, hơn nhau là sự chịu khó “động não”. Với nghề tôm những ngày đầu, vợ chồng ông phải “bóp bụng” chạy vạy từng đồng để góp nuôi với anh em, bà con. Có chút vốn rồi thì mở rộng diện tích, khi đỉnh điểm, gia đình ông nuôi trên 30ha tôm.

Tiếp đó, vợ chồng ông bàn bạc tiến hành làm đầu nậu thu mua tôm thành phẩm của bà con để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2010, vợ chồng ông quyết định thành lập doanh nghiệp để thuận tiện trong thủ tục, đường hướng làm ăn lớn. Thế là ghép tên vợ chồng thành Doanh nghiệp Thủy sản Năm Rùm.

Hiện tại, doanh nghiệp Năm Rùm đang tổ chức nuôi 6ha tôm thẻ chân trắng cao triều, với hồ phủ bạt và nhiều máy móc chuyên dụng để kiểm soát quá trình nuôi tôm sạch. Với sản lượng bình quân 24 tấn tôm thành phẩm/năm, doanh nghiệp có mức lãi ổn định 5 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, Năm Rùm đang thu mua sản phẩm tôm khắp các tỉnh duyên hải miền Trung, với sản lượng 800 - 1.000 tấn tôm/năm. Việc ký kết chặt chẽ với các đầu mối xuất khẩu đã giúp doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định cho hàng ngàn hộ nuôi tôm trong khu vực.

Ông Đỗ Văn Hơn, một người nuôi tôm ở Hòa Hiệp Nam, nói: “Ông Rùm không chỉ “sống chết” với con tôm mà còn biết chuyển hướng kịp thời, dứt khoát bỏ tôm sú để chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng và cũng là người đi đầu trong việc làm hồ phủ bạt để nuôi tôm cao triều và thu mua tôm sạch. Cái năng động của ông Rùm đã mở đường hồi sinh, phát triển vùng nuôi tôm sông Bàn Thạch này”.

 Táo bạo và “chắc cú”

Không dừng lại ở việc sản xuất - kinh doanh tôm, vợ chồng ông Rùm quyết định đầu tư thêm hạng mục vận tải. Hiện, đoàn xe của doanh nghiệp Năm Rùm đã có 14 chiếc (10 xe tải, 4 xe khách chất lượng cao).

Ông Rùm cho hay: “Ban đầu, vợ chồng tôi đầu tư xe tải đông lạnh để phục vụ việc thu mua, cung cấp tôm xuất khẩu, bởi giá thành thuê vận chuyển khá lớn. Vừa chở hàng cho doanh nghiệp của mình, vừa nhận chở hợp đồng vận chuyển cho nhiều đơn vị khác. Tiếp đó, thấy nhu cầu đi lại tuyến Tuy Hòa - TP.HCM khá lớn, vợ chồng tui quyết định đầu tư xe khách. Đây là loại xe giường nằm chất lượng cao nên giá thành đến 4,5 tỷ đồng/xe”.

Theo ông Rùm, những năm gần đây, doanh nghiệp của ông có doanh thu bình quân 200 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên, 120 lao động mùa vụ, với thu nhập 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.

“30 năm trụ với nghề nuôi và kinh doanh tôm, không “dễ ăn” chút nào. Nhìn lại, dù khó khăn đến đâu, vợ chồng tui cũng cố gắng “chiến đấu” đến cùng. Bởi nhìn thấy tiềm năng, cơ hội của mình trong nghề nuôi và kinh doanh tôm. Trong nghề vận tải cũng vậy, thấy cơ hội là vợ chồng tui quyết định đầu tư. Nhưng làm gì cũng phải tính toán kỹ càng. Đầu tư nhiều lĩnh vực thì dễ dàng bù trừ, chia sẻ lẫn nhau, phải táo bạo nhưng cần suy tính “chắc cú” theo năng lực của mình” - ông Rùm bày tỏ.

Hùng Phiên Báo Dân Việt