Hội nghị Chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác thủy sản
Ngày 17/3/2016, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác thủy sản. Tham dự hội nghị có đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan quản lý thủy sản 28 tỉnh ven biển, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các thiết bị công nghệ phục vụ khai thác thủy sản, các nhà khoa học, đại diện các hội, hiệp hội, bà con ngư dân tham gia khai thác thủy sản và các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin hội nghị, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và ông Trần Minh Thống - phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng chủ trì Hội nghị.
Khai thác thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thủy sản nói riêng, kinh tế nông nghiệp và kinh tế đất nước nói chung, giải quyết việc làm cho hàng triệu ngư dân ven biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên vùng biển, đảo nước ta.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong thời gian qua, lĩnh vực khai thác đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, trong đó phải kể đến Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản,Nghị định 89, Quyết định 48…Bên cạnh đó, nghệ khai thác hải sản vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, trong đó công nghệ còn nhiều hạn chế như: tàu cá nước ta vẫn còn lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trang bị và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém, đẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Trong quá trình tái cơ cấu ngành, tổ chức lại khai thác hải sản đều xác định khoa học công nghệ là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác và có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Vì vậy cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và bà con ngư dân, năng suất và chất lượng sản phẩm của nghề khai thác thủy sản đã được cải thiện đáng kể. Từ một nghề cá thủ công, đến nay đã dần chuyển sang nghề cá công nghiệp.
Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác hải sản ở nước ta. Một số công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản đã được ứng dụng tại các nước tiên tiến trên thế giới như: công nghệ dự báo ngư trường, công nghệ đóng tàu, vật liệu vỏ tàu; Công nghệ khai thác; Công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng như những tiến bộ công nghệ về thông tin liên lạc, hàng hải, máy dò cá đã được giới thiệu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, một số đơn vị đã giới thiệu một số công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng và triển khai ở Việt Nam như công nghệ về đóng tàu cá bằng vỏ vật liệu mới, công nghệ khai thác bằng lưới vây đuôi, các thiết bị hàng hải, dò cá, thông tin liên lạc, thiết bị đèn Led phục vụ thu hút cá, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt, công nghệ hầm bảo quản bằng vật liệu PU…
Về định hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản trong thời gian tới đã được hội nghị tập trung thảo luận, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau:
Về tàu cá và trang bị trên tàu: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thiết kế và chế tạo tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới, du nhập mẫu tàu vây đuôi; Ứng dụng hệ thống tời thủy lực, thu thả dây câu, chụp mực…; Đẩy mạnh ứng dụng máy dò cá ngang…Trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải tân tiến.
Về ngư cụ, trang thiết bị và công nghệ khai thác: ứng dụng lưới vây dệt không gút khai thác cá ngừ đại dương bằng tàu vây đuôi; ứng dụng hệ thống trang thiết bị và công nghệ câu cá ngừ tiên tiến của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan; Ứng dụng công nghệ lồng bẫy từ Úc, Mỹ, Hàn Quốc để khai thác hải sản tầng đáy; Ứng dụng hệ thống đèn ngầm, đèn màu, đèn tiết kiệm điện để thu hút và tập trung cá.
Về công nghệ bảo quản sau thu hoạch: ứng dụng công nghệ vật liệu mới như PU để nâng cao khả năng giữ nhiệt của hầm bảo quản; Ứng dụng hệ thống bể hạ nhiệt nhanh cho nghề câu, rê; Hệ thống làm lạnh thấm, máy làm đá vảy; Nghiên cứu ứng dụng hệ thống cấp đông, bảo quản bằng nước biển lạnh cho các nghề câu cá ngừ đại dương, chụp mực, lưới rê; Ứng dụng công nghệ bảo quản bằng ni tơ lỏng trên tàu câu cá ngừ đại dương.
Về dự báo ngư trường: Ứng dụng công nghệ dự báo ngư trường tức thời dựa trên các trường hải dương và phát hành kịp thời đến các tàu cá.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản trong thời gian tới, một số giải pháp chính đã được thảo luận như: tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu; xây dựng cơ chế gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, chủ tàu, ngân hàng để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao; Tạo liên kết chuỗi trong khai thác để tạo động lực cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm; Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc du nhập, nghiên cứu công nghệ tiên tiến; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn giới thiệu, hướng dẫn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong khai thác hải sản.
Một số nguyên nhân hiện nay các tiến bộ ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác thủy sản triển khai còn nhiều hạn chế đã được các đại biểu thảo luận: thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ chậm được phổ biến và ít có mô hình thực tiễn để ngư dân làm theo, đối với ngư dân thì còn thận trọng do đầu tư mới phải cần vốn và thời gian đầu tư để thay đổi, đối với doanh nghiệp còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được đến người dân. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân còn yếu. Bên cạnh đó các đại biểu còn kiến nghị các cơ quan quản lý cần có đánh giá hiệu quả cũng như tác động của công nghệ mới đến sản xuất và môi trường. Sớm chuyển giao những nghiên cứu thành công thông qua các mô hình cụ thể. Đào tạo thuyền trưởng, thuyền phó sử dụng công nghệ mới một cách thành thạo và hiệu quả.
Kết luận Hội nghị, thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao nội dung cũng như hiệu quả của việc tổ chức những hội nghị chuyên sâu như thế này và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cần duy trì tổ chức hàng năm, bên cạnh đó các địa phương chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, ngư dân tổ chức các diễn đàn khoa học công nghệ để phổ biến và ứng dụng.
Mục tiêu của ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản là nâng cao giá trị gia tăng, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác chọn lọc nhằm phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng, khắc phục tình trạng tổn thất trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian sớm nhất, Tổng cục Thủy sản tập hợp, biên tập các tài liệu về tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản, gửi cho các địa phương để phổ biến Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo, đài, thông tin trên trang thông tin điện của tổng cục để ngư dân có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và tốt nhất: Sớm xây dựng và trình Bộ ban hành kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học trong khai thác thủy sản; lựa chọn những tiến bộ sát với yêu cầu thực tế để triển khai ứng dụng. Thường xuyên nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tác động của công nghệ mới để tránh triển khai những nghề gây xâm hại nguồn lợi.
Tổng cục Thủy sản cần rà soát các chính sách hiện có để giúp ngư dân tiếp cận được chính sách một cách thuận lợi nhất như Nghị định 67, Nghị định 89, Quyết định 68... Rà soát chương trình đào tạo, tập huấn cho ngư dân, phối hợp với các trường bổ sung nội dung về đào tạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khung chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Các doanh nghiệp phối hợp với các trung tâm, viện, trường để đào tạo, hướng dẫn sử dụng công nghệ mới.
Các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng tiến bộ phù hợp địa phương, triển khai tốt các chính sách nhà nước đã ban hành. Các địa phương cần đề xuất những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cập nhật các tiến bộ công nghệ để hướng dẫn cho ngư dân, ưu tiên hướng dẫn trực tiếp trên tàu cá. Trung tâm khuyến nông quốc gia cần tập trung cho các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học trong khai thác thủy sản. Viện Nghiên cứu Hải sản tổng hợp và cập nhật các ứng dụng tiên tiến trên thế giới, khu vực để có thể chuyển giao, nhân rộng ra các địa phương. Triển khai trình diễn công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ tiên tiến, công nghệ khai thác bằng lưới vây đuôi. Các doanh nghiệp cần cung cấp những thông tin cần thiết như hiệu quả, giá cả của từng ứng dụng công nghệ mới để ngư dân có thể lựa chọn một cách phù hợp.