TIN THỦY SẢN

Hội nghị triển khai xây dựng trung tâm nghề cá lớn

Thu Hiền

Ngày 23/11/2015, tại Hà Nội, hai Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám và Hoàng Văn Thắng đã chủ trì hội nghị triển khai xây dựng trung tâm nghề cá lớn. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 6 địa phương có quy hoạch xây dựng trung tâm nghề cá lớn, các đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 6 Trung tâm phát nghề cá lớn. Trong đó, có 5 trung tâm ở vùng khai thác trọng điểm tại: Hải Phòng (ngư trường Vịnh Bắc bộ), Đà Nẵng (biển Đông và Hoàng Sa), Khánh Hòa (ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa), Bà Rịa-Vũng Tàu (ngư trường Đông Nam bộ), Kiên Giang (ngư trường Tây Nam bộ) và một trung tâm phát triển thủy sản tại Cần Thơ (gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long).

Trung tâm nghề cá lớn gồm tổ hợp cảng cá động lực kết nối với hệ thống các hạ tầng kinh tế, xã hội, dịch vụ hầu cần nghề cá, có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản, đặc biệt khai thác xa bờ, gắn với các ngư trường trọng điểm.

Mỗi trung tâm nghề cá lớn gắn với mỗi ngư trường trọng điểm có chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức không gian gắn với lợi ích kinh tế, xã hội, tài nguyên, nguồn nguyên liệu; hạ tầng kỹ thuật; có ranh giới và quy chế hoạt động riêng, làm đầu mối sản xuất, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá trong thể liên hoàn, liên kết để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Trong đó, cảng cá động lực là các cảng cá loại I, gồm cầu cảng chuyên dụng cho khai thác, tổng hợp, cảng quốc tế, nhà tập kết, phân loại sản phẩm, khu mặt nước, luồng, nhà quản lý, khu dịch vụ…khu nước ngọt, xăng dầu, khu phí thế quan, dịch vụ thương mại. Cùng với đó là các khu chức năng đặc thù, như chế biến thủy sản, sửa chữa, sản xuất ngư cụ, vật liệu vỏ, thiết bị hàng hải, khu neo đậu trú tránh trú bão, trung tâm đăng kiểm nghề cá, kiểm ngư, cứu hộ, cứu nạn. Các cơ sở chuyên ngành, đào tạo, nghiên cứu, tài chính, ngân hàng, trung tâm hội chợ triển lãm.

Tổng cục Thủy sản cho biết, với dự kiến khoảng 14.600 tỷ đồng để xây dựng 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó sẽ có gần 5.250 tỷ đồng từ vốn nhà nước (ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và viện trợ ODA); 1.620 tỷ đồng từ vốn đầu tư theo hình thức công tư (PPP), và khoảng trên 7.730 tỷ đồng từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong kế hoạch đầu tư công trong 5 năm tới (2016-2020), vốn ngành thủy sản qua Bộ NN&PTNT chỉ gần 1.200 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững hơn 1.600 tỷ đồng. Do vậy, nguồn vốn từ ngân sách rất khó đáp ứng nhu cầu cho xây dựng các trung tâm cảng cá. Vì thế, cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ bổ sung một số dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hoặc cho phép địa phương được phát hành trái phiếu đề đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nguồn vốn ngân sách rất khó khăn nên có thể đề xuất cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm nghề cá lớn theo cơ chế hợp tác công tư. Toàn bộ diện tích trên bờ, dưới mặt nước và các dịch vụ trên bờ được quản lý theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các địa phương cũng đã báo cáo tiến độ quy hoạch và xây dựng trung tâm nghề cá lớn. Đối với Khánh Hòa, hiện đã đưa trung tâm nghề cá lớn vào kế hoạch phát triển kinh tế tại địa phương, đã lập kế hoạch chi tiết của tỉnh, trong đó xác định cảng cá động lực nằm trong Trung tâm (cảng cá Đá Bạc). Bộ NN&PTNT đã phối hợp với tỉnh Khánh Hòa, các bộ và cơ quan liên quan làm rõ các yêu cầu của phía Nhật Bản với chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng cá Đá Bạc, để Chính phủ 2 nước đàm phán, nhất trí đưa vào danh mục các dự án được hỗ trợ đầu tư từ nguồn ODA của Nhật Bản, với ngân sách 10 triệu USD và đề xuất các dự án xây dựng các Trung tâm nghề cá lớn trong Kế hoạch đầu tư trung hạn (2016-2020).

Tại Kiên Giang, đã phê duyệt xong đề cương quy hoạch tổng thể, chi tiết Trung tâm Nghề cá, dự kiến khoảng 55 ha với số vốn 55 tỷ đồng. Tuy nhiên vấn đề vốn đang gặp phải khó khăn trong giải quyết ngân sách. Thành phố Đà Nẵng chọn cảng cá Thọ Quang thành cảng trung tâm. Cần Thơ quy hoạch 70 ha mặt bằng gần cảng cá Cần Thơ làm trung tâm nghề cá lớn. Bà Rịa Vũng Tàu quy hoạch 100 ha mặt bằng xây dựng trung tâm.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng nên huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia xây dựng trung tâm nghề cá lớn nhưng quan trọng nhất vẫn là tính bền vững trong quản lý vận hành sau đầu tư. Có thể vay ODA cho đầu tư công là ưu tiên, nếu không sẽ vay nguồn vốn này cho doanh nghiệp theo hợp tác công tư.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương bổ sung Trung tâm nghề cá lớn vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương (nếu chưa có). Đây là dự án mới, cần thuê đơn vị tư vấn trong việc lựa chọn vị trí xây dựng cảng cá động lực. Các địa phương cần căn cứ quy hoạch để thực hiện theo đúng tiến độ. Thứ trưởng cũng cho rằng, việc xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn là chủ trương, định hướng đã có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn, vì thế các địa phương cần triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư đầy đủ và hiệu quả.

Thu Hiền Fistenet, 25/11/2015