Hợp tác, liên kết và sản xuất theo chuẩn quốc tế
Để có được con tôm sạch và rẻ nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm cần phải liên kết chặt chẽ thì mới có thể quản lý tốt chất lượng, giá cả vật tư đầu vào, giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện chuỗi liên kết tôm thời gian qua tuy mang lại một số kết quả nhất định, nhưng cũng bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế.
Ngay từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác quốc tế phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Oxfam Việt Nam và Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), 3 tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã tập trung tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã (HTX) và xây dựng các hoạt động liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng, nhằm hướng người nuôi liên kết với doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước (VietGAP) và quốc tế (ASC).
Sau gần 1 năm thực hiện, tháng 5-2017, HTX Nuôi tôm Hòa Nghĩa (TX. Vĩnh Châu) chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn ASC cho sản phẩm tôm nuôi của mình. Sản phẩm tôm nuôi theo chuẩn ASC đầu tiên đã được Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) thu mua với giá cao hơn thị trường 15 - 20% để xuất khẩu cho đối tác là Công ty Nordic Seafood. Đây là HTX nuôi tôm đầu tiên của Sóc Trăng được chứng nhận đạt chuẩn ASC, mỗi năm có thể cung ứng khoảng 600 tấn tôm thương phẩm đạt chuẩn ASC.
Theo đánh các HTX tham gia dự án, liên kết với doanh nghiệp thực hiện ASC có rất nhiều cái lợi. Ngoài việc được hỗ trợ chi phí thực hiện, HTX còn được công ty thu mua tôm với giá cao hơn thị trường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các bên cần phải biết giữ chữ tín với nhau, biết chia sẻ cùng nhau lợi ích cũng như rủi ro để cùng phát triển. Thực tế cho thấy, trong 2 năm vừa qua, các HTX tham gia dự án đều có lợi nhuận tăng từ 10% đến 20%, nhờ sản phẩm đầu vào được kiểm soát tốt về mặt chất lượng, xuất xứ rõ ràng và giá luôn giảm 10% – 30%, còn giá bán cao hơn 3% – 5%. Mặt khác, khi tham gia chuỗi liên kết, các HTX có điều kiện áp dụng các giải pháp cải tiến, giúp giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi, nuôi tôm thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn trong nước, quốc tế và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tôm nuôi đạt chứng nhận được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá luôn cao hơn thị trường.
Tuy nhiên, các HTX cũng phản ánh việc thực hiện liên kết chuỗi vẫn tồn tại không ít khó khăn cần khắc phục, như: mô hình HTX chưa hoàn chỉnh nên vai trò quyết định cũng như điều phối, giám sát của ban giám đốc HTX chưa thật sự mạnh mẽ; đa số các HTX còn yếu về năng lực tài chính dẫn đến khó khăn trong liên kết đầu tư; việc thu mua theo chuỗi còn khó do điều kiện sản xuất nhỏ lẻ; các ngân hàng thương mại chưa mặn mà với mô hình cho vay theo chuỗi, chưa có khung pháp lý trong việc chế tài, xử phạt các trường hợp vi phạm hợp đồng…
Liên quan đến vấn đề vì sao đã có liên kết nhưng hoạt động của HTX vẫn chưa hiệu quả, trước hết có thể thấy là do việc tham gia chuỗi liên kết của các HTX chưa hoàn toàn mà chỉ mới thực hiện ở khâu con giống, sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và đặc biệt các công ty cung ứng đầu vào, đầu ra chưa thật sự mặn mà với mô hình liên kết. Theo các thành viên dự án, đối với nghề nuôi tôm, dư địa để giảm chi phí, giá thành hiện vẫn còn rất lớn, chỉ cần cải thiện chỉ số FCR (hệ số thức ăn) và điện năng là người nuôi tôm có thể tiết kiệm được khoảng 6.000 đồng/kg tôm thương phẩm.
Để cải thiện chất lượng liên kết chuỗi, một trong những vấn đề quan trọng là phải sản xuất theo hướng chứng nhận quốc tế, để tăng cường truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đối với khâu đầu vào, do nguồn vốn của người nuôi chưa đáp ứng, nên cần thúc đẩy việc huy động nguồn vốn tự có tại địa phương thông qua việc thu hút các đại lý, thương lái tham gia vào HTX, giúp các thành viên HTX có được sản phẩm chất lượng tốt còn đại lý thì có số lượng khách hàng lớn và ổn định.
Trước những băn khoăn có nên thực hiện VietGAP hay không vì giá bán sản phẩm tôm VietGAP vẫn không có khác biệt, ông Ngô Công Luận – Giám đốc HTX Nông ngư 14-10 Hòa Lời (Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Lợi ích của VietGAP dễ thấy nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và ít tác động đến an sinh xã hội. Việc thực hiện VietGAP cũng tạo tiền đề để các HTX thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế được dễ dàng hơn. Hơn nữa, khi đã được chứng nhận VietGAP, sản phẩm của HTX luôn được phía công ty tin tưởng, sẵn sàng ưu tiên thu mua. Do đó, các HTX nếu có điều kiện thì nên làm VietGAP trước, dù có được công nhận tương đương hay không thì chúng ta vẫn có lợi hơn là không làm”.
Đồng tình với nhận xét trên, các HTX đều thống nhất rằng, làm theo chứng nhận quốc tế hay trong nước là để có thể bán được giá cao hơn, chứ không phải lúc nào cũng bán được giá cao. Bởi vì chứng nhận chỉ là điều kiện để bán được hàng, còn bán giá cao hay thấp còn tùy thuộc vào cung – cầu thị trường. Hơn nữa, một khi con tôm có được chứng nhận quốc tế, việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn, giá cả cũng sẽ tốt hơn và đi kèm theo đó là lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp được ổn định hơn.