Huế: Nuôi thành công cá trắm trên đầm phá
Mô hình nuôi cá trắm cỏ trên đầm phá Tam Giang của nữ cựu chiến binh (CCB) Phan Thị Hạnh (thôn Hà Công, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) là một trong những mô hình mới.
Nghe cán bộ UBND xã Quảng Lợi giới thiệu về mô hình nuôi cá trắm cỏ trên vùng đầm phá của CCB Phan Thị Hạnh, thật lòng, chúng tôi “bán tín bán nghi” bởi cá trắm cỏ vốn là đối tượng cho vùng nước ngọt, nếu nuôi được trên vùng đầm phá Tam Giang thì đúng là một “kỳ tích”. Nhưng khi đã ra tận khu nuôi cá lồng của chị Hạnh mới vỡ lẽ “không gì là không thể”.
Chị Hạnh cho biết, trong một lần thu hoạch các loài thủy sản trên đầm phá Tam Giang, chị phát hiện một số cá trắm giống lẫn vào trong nò sáo và quyết định giữ lại nuôi thử. “Ai ngờ nuôi thử ăn thật”- chị Hạnh phấn chấn.
Trên môi trường đầm phá, với nguồn thức ăn rong rêu sẵn có, giống cá trắm cỏ sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Chỉ trong vòng 8 tháng thả nuôi, trọng lượng mỗi con lên đến trên dưới 4 kg. Từ đây, gia đình chị Hạnh đã quyết định đầu tư lồng nuôi để phát triển mô hình này. Đến nay, gia đình chị Hạnh phát triển lên 6 lồng nuôi. Mỗi lồng diện tích rộng từ 80 - 100m2, thả 400 con cá trắm cỏ. Mật độ thả nuôi vừa phải cộng với nguồn thức ăn dồi dào giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng, chị Hạnh cho biết, môi trường đầm phá với những đặc trưng thuận lợi là có lượng nước được thay đổi và làm sạch liên tục theo chu kỳ của dòng chảy. Giống cá trắm cỏ là loài ăn tạp, nguồn thức ăn cho cá chủ yếu là các loài rong tảo có sẵn trên đầm phá, thêm vào đó kết hợp với thức ăn công nghiệp dạng viên tổng hợp để bổ sung thêm tinh bột và các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cá. Vì vậy, cá nuôi lớn nhanh, chất lượng thịt lại thơm ngon hơn, được các thương lái thu mua tận nơi. Hiện tại, cá trắm cỏ nuôi trên đầm phá được thương lái mua với giá từ 60- 65 nghìn đồng/kg. Với 6 lồng cá thả nuôi, trừ các khoản chi phí, mỗi năm mô hình này mang lại thu nhập cho gia đình chị Hạnh từ 100- 120 triệu đồng. So với mức thu nhập của vùng đầm phá thì đây là nguồn thu quan trọng, khá ổn định, tạo điều kiện cho gia đình chị đầu tư thêm lồng nuôi, nâng cao chất lượng nguồn cá trắm.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, tận dụng diện tích mặt nước trên đầm phá, nhiều năm qua, các CCB ở xã đã phát triển mô hình nuôi cá lồng. Trong đó, mô hình của CCB Phan Thị Hạnh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình cho tấm gương CCB vượt khó, vươn lên làm giàu mà còn là nơi học hỏi kinh nghiệm cho nhiều chị em trong hội.
Nuôi cá lồng trên đầm phá là mô hình kinh tế mới, thành công ở các xã Quảng Lợi, Quảng Thái. Sự quan tâm hỗ trợ về con giống, kỹ thuật nuôi, nguồn vốn cũng như đánh giá hiệu quả, chiều hướng phát triển của các ngành liên quan là rất cần thiết để nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình hội viên hội CCB nói riêng và nông dân trên địa bàn nói chung.
Ông Phạm Thanh Lương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Điền đánh giá, trong những năm qua, nhiều mô hình trang trại, gia trại và nuôi trồng thủy sản mặt nước của một số CCB trên địa bàn thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp nhiều CCB vượt khó, từng bước vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.