Hướng dẫn cách gây màu nước cho ao đất chuẩn hiệu quả
Trong ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, đặc biệt là trong ngành nuôi tôm – cá nói riêng, màu nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi thức ăn tự nhiên, duy trì hệ thống lọc sinh học, và ổn định các thông số môi trường.
Nói một cách khác, để đạt được thành công trong việc nuôi trồng thủy sản, việc duy trì và gây màu nước cho ao đất ổn định và bền vững là yếu tố cực kỳ quan trọng. Vậy bà con nên gây màu nước cho ao đất tôm như thế nào để tôm nuôi đạt đầu con? Hãy cùng Tép Bạc tìm hiểu qua bài viết sau.
Tại sao phải gây màu nước cho ao đất khi nuôi tôm?
Tình trạng màu nước đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chính xác nhất tình trạng chất lượng nước trong ao nuôi tôm. Sự thay đổi không phù hợp trong màu nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển, tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở tôm.
Màu nước trong ao nuôi tôm đóng vai trò quan trọng đối với một số yếu tố như:
- Sự ổn định môi trường trong ao nuôi, đặc biệt là hàm lượng oxy hòa tan.
- Giảm ánh sáng ngăn chặn sự phát triển của tảo độc dưới đáy ao.
- Tạo sự phát triển của các loài phiêu sinh vật, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên và giúp giảm lượng thức ăn hữu cơ.
- Kiểm soát sự phát triển của sinh vật phù du, từ đó giảm thiểu sự phát triển của các chất độc hại và mầm bệnh, đồng thời giảm stress cho tôm.
Quá trình gây màu nước thường được thực hiện trước khi thả tôm vào ao (đầu vụ nuôi). Để duy trì màu nước, việc duy trì các yếu tố môi trường nước ổn định là cần thiết, bao gồm việc có hệ thống ao chứa với độ sâu lớn hơn 1m.
Ao nuôi tôm có màu nước như thế nào thì đạt chất lượng?
Tùy thuộc vào môi trường nước của ao nuôi (nước ngọt hoặc nước mặn), mà màu nước phù hợp sẽ khác nhau:
- Đối với ao nuôi nước ngọt: Màu xanh nhạt (màu đọt chuối non) là lựa chọn tốt nhất để nuôi tôm nước ngọt. Do tảo lục thường phát triển mạnh trong điều kiện này, chúng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn và giúp duy trì ổn định các yếu tố hóa học, sinh học, và hấp thụ các chất hữu cơ. Từ đó sẽ giúp giảm lượng khí độc ao nuôi. Việc duy trì màu nước xanh nhạt sẽ hỗ trợ sự phát triển tốt nhất cho tôm nuôi trong môi trường nước ngọt.
- Đối với ao nuôi nước mặn hoặc nước lợ: Màu vàng nâu (màu của nước trà) được ưa chuộng cho việc nuôi tôm trong môi trường nước lợ hoặc mặn. Màu này thường đi kèm với sự phát triển của tảo Silic, hỗ trợ cho sự phát triển của tôm.
Màu nước trong ao tôm thường là màu tảo, có thể quan sát được bằng mắt. Màu xanh (trong nước ngọt) và màu nâu (trong nước mặn) thường là màu của tảo. Tuy nhiên, tảo không nên quá dày hoặc quá thưa. Nếu tảo quá thưa, nước sẽ trở nên trong. Ngược lại, nếu tảo quá dày, có thể làm giảm lượng oxy trong nước về đêm.
Việc quan sát màu nước trong ao đất có thể giúp bà con đánh giá chính xác chất lượng của môi trường nước. Nếu màu nước trong ao khác biệt, như màu xanh nhạt (ao nước ngọt) hoặc màu nước trà (ao nước mặn). Thì bà con cần tiến hành kiểm tra, xử lý vấn đề ngay lập tức và điều chỉnh phù hợp, để tạo điều kiện phát triển nhất cho tôm nuôi.
5 Cách gây màu nước cho ao đất đúng chuẩn để tôm đạt kết quả tốt
Cách 1: Sử dụng cám gạo, bột cá và bột đậu nành
Bà con cần sử dụng các nguyên liệu cám gạo, bột cá và bột đậu nành theo tỷ lệ 2:1:2. Sau đó, trộn đều hỗn hợp và nấu chín, sau đó đem ủ kín trong khoảng thời gian từ 2 - 3 ngày để sử dụng làm chất gây màu.
Với mỗi 1000m3 nước, bà con cần sử dụng từ 3 - 4kg hỗn hợp trên và bón vào ao liên tục trong 3 ngày. Khi bà con quan sát thấy màu nước trong ao đẹp và độ trong của ao đạt khoảng 30-40 cm, có thể tiến hành thả tôm giống
Bà con tiếp tục bón bổ sung hỗn hợp sau 7 ngày, với liều lượng bổ sung giảm đi một nửa so với ban đầu. Việc bổ sung sẽ căn cứ vào màu sắc của nước trong ao.
Cách 2: Sử dụng mật rỉ đường, cám gạo và bột đậu nành để gây màu nước
Bà con trộn đều, nấu chín và ủ kín hỗn hợp mật rỉ đường, cám gạo và bột đậu nành theo tỷ lệ 3:1:3 trong vòng 12 tiếng.
Với mỗi 1000m3 nước, bà con cần sử dụng từ 2 - 3kg hỗn hợp trên và bón vào ao liên tục trong 3 ngày. Khi bà con nhận thấy màu nước trong ao đẹp và độ trong của ao đạt khoảng 30-40 cm, có thể tiến hành thả tôm giống.
Bà con tiếp tục bón bổ sung hỗn hợp đã ủ sau 7 ngày, với liều lượng bổ sung giảm đi một nửa so với ban đầu. Việc bổ sung sẽ căn cứ vào màu sắc của nước trong ao.
Cách 3: Sử dụng chất vô cơ để gây màu nước cho ao đất
Các chất vô cơ thường được sử dụng để bón vào ao nhằm gây màu nước là phân hóa học. Các loại phổ biến bao gồm phân urê phosphate (N-P-K = 16: 2:0), urê (N2H4CO), N-P-K (46:0:0) và super phosphate (N-P-K = 16:16:16). Trong số này, phân urê phosphate được ưa chuộng nhất, với liều lượng bón khoảng 40 - 50kg/ha (phân bố trong 20 - 25 ngày). Nên hoà tan phân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi nước trong ao đã có màu sắc đẹp, tảo phát triển mạnh mẽ và độ trong khoảng 30 - 40 cm, bà con có thể tiến hành thả tôm giống.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù phương pháp này có thể tạo ra màu nước, nhưng không đảm bảo màu nước lâu dài. Nếu chỉ dùng các chất vô cơ để gây màu, thì duy trì được nhiều nhất là khoảng nửa tháng thì nước sẽ trong lại và rớt tảo.
Cách 4: Sử dụng các sản phẩm tạo màu giả
Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm được sản xuất để nhanh chóng tạo màu nước cho ao nuôi. Có những sản phẩm chỉ cần khoảng 2 tiếng là có thể tạo ra một màu nước đạt chuẩn và có thể thả tôm giống ngay.
Màu nước được tạo ra bằng các sản phẩm này không cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho ao nuôi. Nó chỉ tạo ra màu nước giả, giúp tránh nước quá trong, giảm thiểu ánh nắng mặt trời trực tiếp đến tôm, giảm stress, hạn chế sự phát triển của tảo đáy và rong rêu. Tuy nhiên, điều này có thể làm tăng chi phí cho ao nuôi do sử dụng thêm thức ăn công nghiệp.
Cách 5: Sử dụng chế phẩm vi sinh để gây màu nước cho ao đất
Men vi sinh là phương pháp phổ biến nhất được lựa chọn để tạo màu nước trong ao nuôi hiện nay, với độ an toàn và hiệu quả cao hơn so với phương pháp khác. Để sử dụng men vi sinh hiệu quả, có những nguyên tắc cơ bản sau đây cần tuân thủ:
Không kết hợp men vi sinh với bất kỳ chất hỗ trợ, kháng sinh hoặc diệt khuẩn nào khác trong quá trình sử dụng. Vì điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của vi sinh và làm giảm hoạt động của chúng.
Tuân thủ hướng dẫn sử dụng cụ thể về liều lượng được ghi trên bao bì sản phẩm, để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả của men vi sinh.
Nếu sử dụng men vi sinh dưới dạng bột, hãy hòa tan chúng trước khi đưa vào ao. Nên sử dụng nước ao để hòa tan. Người dùng cần sục liên tục từ 2 đến 4 tiếng để đảm bảo hòa tan hoàn toàn.
Để đạt được chất lượng tốt nhất, nên ủ yếm khí men vi sinh để tăng sinh khối.
Lưu ý cần biết khi gây màu nước cho ao đất
Bà con cần chú ý tránh sử dụng phân chuồng và phân gà để gây màu nước cho ao đất, vì các loại phân này có thể mang theo các mầm bệnh nguy hiểm cho tôm.
Phải thường xuyên kiểm tra màu nước trong ao để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề, giúp tôm phát triển mạnh mẽ nhất có thể.
Bên cạnh đó, bà con cũng cần chú ý điều chỉnh lượng thức ăn được bón vào ao, vì việc bón quá nhiều có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của tảo độc và vi khuẩn có hại, gây ra sự biến đổi màu nước.