Hướng đi bền vững cho nuôi trồng thủy sản trong tương lai
Nhằm đáp ứng với mục tiêu tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho tiêu thụ toàn cầu cùng với phát triển ổn định và thân thiện với môi trường. Các nhà nghiên cứu thủy sản liên tục tìm ra giải pháp hướng đến phát triển NTTS trong tương lai. Một số giải pháp mà các nhà nghiên cứu đang hướng đến bao gồm: phát triển NTTS ở bất cứ đâu, thức ăn thủy sản không sử dụng bột cá, hạn chế sử dụng thuốc và kháng sinh, và nuôi ghép và nuôi đa dạng loài.
Phát triển NTTS bất cứ đâu
Nuôi thủy sản vơi công nghệ tuần hoàn (RAS) cho phép phát triển NTTS tại bất cứ đâu, công nghệ này cho năng suất cao cùng với tiết kiệm nguồn nước. Hiện nay công nghệ RAS được áp dụng tại nhiều nước và trên nhiều đối tượng nuôi khác nhau. Cụ thể, là công nghệ RAS trong nuôi cua thương phẩm hay nuôi cua lột thông qua hệ thống crab-house (nhà cua) tại Trung Quốc. Công nghệ RAS hiện được ứng dụng tại Nhật Bản cho việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tráp Nhật, tôm he và tôm thẻ chân trắng. Đây được xem là công nghệ đột phá trong NTTS cho phép phát triển NTTS ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, công nghệ RAS đòi hỏi chi phi đầu tư cao, nguồn điện ổn định và kỷ thuật cao.
Mô hình nuôi siêu thâm canh với công nghệ RAS
Thức ăn thủy sản không sử dụng bột cá
Giải pháp thay thế bột cá được nhiều nhà nghiên cứu phát triển do nguồn bột cá ngày càng khan hiếm và giá thành ngày càng cao. Nhiều giải pháp được cho mang lại hiệu quả cao trong việc thay thế bột cá bằng các nguồn đạm động thực vật khác nhau trên cơ sở nguồn nguyên liệu dễ tìm và chi phí thấp. Bột thực vật như: bột đậu nành, bột hạt cải, bột ngô,…được sử dụng và cho thấy khả năng có thể thay thế bột cá lên đến 50%, tuy nhiên đối với một số loài hải sản nuôi có giá trị như tôm hay cá mú đòi hỏi hàm lượng protein cao, khả năng tiêu hóa đạm thực vật thấp. Nên giải pháp lên men bột đậu nành hay bổ sung enzyme vào thức ăn mang lại hiệu quả thay thế bột cá từ bột thực vật cao hơn.
Bên cạnh đó, bột động vật như: bột trùng quế, ấu trùng ruồi lính đen, hay bột côn trùng với nguồn đạm có giá trị cao cùng với nhiều acid amin thiết yếu được xem là tiềm năng thay thế hoàn toàn bột cá. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi cho việc sử dụng bột côn trùng làm thức ăn cho ĐVTS. Hiện nay, bột côn trùng đặc biệt là ấu trùng ruồi lính đen được xem là một trong những giải pháp hoàn hảo cho khả năng thay thế hoàn toàn bột cá cùng với tiêu chí thân thiện với môi trường, nguyên liệu rẻ tiền. Giải pháp ruồi lính đen vừa phân hủy chất thải hữu cơ vừa xử lý chất thải và tạo ra nguồn đạm giàu dinh dưỡng đã được ứng dụng tại một số nước.
Hạn chế sử dụng thuốc và kháng sinh
Việc sử dụng thuốc và kháng sinh đề hạn chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh cũng như phòng bệnh đối với ĐVTS không mang lại hiệu quả do sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh cùng với không an toàn cho tiêu thụ. Do đó, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát triển NTTS hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc, hóa chất và kháng sinh bao gồm: nuôi công công nghệ biofloc hay copper floc, sử dụng chế phẩm sinh học (probiotics), sử dụng các chất kích thích miễn dịch (immunostimulants: beta-glucan, nucleotide,…), ứng dụng công nghệ sản xuất con giống sạch bệnh, và giải pháp sử dụng vaccine.
Những giải pháp trên góp phần mang lại hiệu quả trong tăng năng suất cùng với tạo ra sản phẩm nuôi an toàn cho người sử dụng.
Tiêm vaccine cho cá giống
Nuôi ghép và nuôi da dạng loài
Hai mảnh vỏ nuôi và tảo trong bè nuôi cá
Tại Việt Nam nhiều mô hình nuôi ghép đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều năm nay. Các mô hình nuôi ghép giúp sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn cùng với giải pháp xử lý chất thải ao nuôi hiệu quả góp phần cải thiện chất lượng nước ao nuôi. Nhiều mô hình nuôi ghép đã ứng dụng hiệu quả như: mô hình tôm-lúa; nuôi tôm cua dưới tán rừng ngập mặn, hay nuôi tôm thẻ chân trắng với cá rô phi,….
Hiện nay, nhiều nước phát triển mô hình nuôi đa dạng loài như kết hợp nhuyễn thể với cá hồi, hay nuôi rong tảo biển với cá và nhuyễn thể. Việc nuôi ghép phải dựa trên đặc điểm sinh học và tập tính ăn của loài để đảm bảo hiệu quả cho mô hình nuôi.