TIN THỦY SẢN

Huyện Đông Hải: Đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản

Thu mua nguyên liệu tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Nguyễn Xuân

Năm 2016, sản xuất nông nghiệp ở huyện Đông Hải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh vốn có. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến tốt và tiếp tục tăng trưởng.


Thu hoạch tôm nuôi công nghiệp ở huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Thế mạnh được phát huy

Xác định nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy sản là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của huyện, vì vậy ngay từ đầu năm 2016, Ban chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi huyện Đông Hải đã đề ra nhiều giải  pháp thúc đẩy phát triển sản xuất; khắc phục, tháo gỡ những khó khăn phát sinh nhằm duy trì, phát triển sản xuất.

Nhờ vậy, năm 2016 tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy sản của huyện là 120.680 tấn, đạt 102,3% kế hoạch và tăng 103,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản tiếp tục tăng trưởng; nhiều tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới. Hiện nay, Đông Hải có tổng số 598 phương tiện đánh bắt với tổng công suất 102.437CV; trong đó tàu có công suất trên 90CV là 287 chiếc. Huyện cũng đã đầu tư 2 tỷ đồng cho vay vốn lưu động, thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp năm 2016 cũng đương đầu với nhiều khó khăn. Đó là hiện tượng El Nino kéo dài làm cho nhiều diện tích nuôi trồng bị thiệt hại; các yếu tố (giá cả) đầu vào luôn biến động theo chiều hướng tăng, trong khi giá cả đầu ra thấp, không ổn định, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất (như điện, giao thông, thủy lợi) chưa đáp ứng yêu cầu nuôi thâm canh, tăng vụ; một số công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu chậm triển khai…

Phát triển mạnh về kinh tế biển

Năm 2017, Ban chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi huyện Đông Hải sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển sản xuất.

Về khai thác, đánh bắt thủy sản, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; thực hiện các chính sách phát triển thủy sản (theo Nghị định 67 và Nghị định số 89 của Chính phủ); thực hiện tốt các giải pháp, chính sách khuyến khích ngư dân khai thác hải sản.

Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, hạn chế đánh bắt thủy sản gần bờ, không phát triển nghề lưới kéo; tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần, nhất là các ngành nghề được khuyến khích như tàu lưới rê, câu… Tăng cường đóng tàu mới có công suất lớn trên 400CV (theo Nghị định 67 của Chính phủ); thành lập nhiều đội, tổ hợp tác khai thác trên biển, hỗ trợ nhau về thông tin ngư trường, bám biển dài ngày, phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thường xuyên thông tin về ngư trường khai thác, diễn biến thời tiết; chủ động kết hợp với các viện, trường, cơ quan chức năng tăng cường công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên, giúp ngư dân đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Thông báo cho các chủ phương tiện thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định; thường xuyên kiểm tra, nắm sản lượng khai thác thủy sản, số lượng tàu thuyền hoạt động; rà soát đánh giá hiệu quả một số nghề khai thác thủy sản.

Đối với nuôi trồng thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp - nông thôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; hạn chế việc sản xuất tự phát của nông dân. Khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm nguyên liệu sạch, xây dựng thương hiệu tôm sạch xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… ở các vùng nuôi trên địa bàn xã Định Thành và mở rộng vùng nuôi ở các xã lân cận; huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng, điện…

Song song đó, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản, vệ sinh môi trường; chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản; giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình tôm nuôi; hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững; quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ diện tích đang nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Khuyến cáo bà con nuôi thâm canh - bán thâm canh thực hiện quy trình nuôi tôm khai báo tại địa phương; chọn đối tượng nuôi phù hợp để tránh rủi ro; nuôi rải vụ để giảm áp lực về giá, về dịch bệnh; ứng dụng quy trình nuôi khép kín, sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, nuôi theo quy trình GAP...

Đặc biệt, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mua bán, sử dụng thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành, con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; xả thải mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh. Đồng thời hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xem xét lựa chọn một số mô hình sản xuất hiệu quả để triển khai, nhân rộng…

Nguyễn Xuân Báo Bạc Liêu, 31/12/2016