Indonesia đặt mục tiêu thành nước nuôi trồng thủy sản lớn thứ 2 thế giới
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Indonesia là một nước sản xuất tôm và cá rô phi và là nước đứng thứ 2 sau Trung Quốc về nuôi trồng thủy sản.
Báo cáo Chính sách và Thống kê thủy sản 2015 của OECD đưa ra một loạt chương trình về nuôi trồng thủy sản của Indonesia. Đặc biệt là Kế hoạch tổng thể về Nuôi trồng thủy sản, do chính phủ và Trung tâm Nghề cá Thế giới triển khai từ năm ngoái, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững đến năm 2020. Dự án này đang ở giai đoạn cuối.
Hợp tác với Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Indonesia đang trong quá trình triển khai dự án thí điểm về kinh tế xanh lấy nuôi trồng thủy sản làm nền tảng ở tỉnh Nusa Tenggara Barat, dựa trên nguyên tăng bền vững, hiệu quả, không lãng phí và bảo đảm tính xã hội.
Indonesia đang kỳ vọng tăng sản lượng thủy sản từ 14,5 triệu tấn lên 17,91 triệu tấn trong năm 2015 nhờ tiềm năng tự nhiên có các bãi sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn.
Theo thống kê của FAO, năm 2014, lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt quá sản lượng khai thác.
Báo cáo cũng đề cập đến kế hoạch hành động của chính phủ hướng tới giải quyết vấn đề an ninh thực phẩm, như việc ký thỏa thuận với chính phủ Hà Lan năm 2013 nhằm tăng sản lượng khai thác và giảm những hoạt động khai thác gây hại.
Hai nước cam kết đóng góp tổng cộng 9 triệu euro. Dự án Khai thác và Nuôi trồng thủy sản vì an ninh thực phẩm ở Indonesia đang ở giữa giai đoạn thực hiện 3 năm, bắt đầu từ 2014 và sẽ kết thúc vào năm tới.
Dự án này do Trung tâm Phát triển và Đổi mới ở trường ĐH Wageningen quản lý với ngân sách 4,5 triệu Euro.
Ngoài ra, Kế hoạch phát triển trung hạn 2015 – 2019 tập trung phát triển khai thác biển trong 5 năm với phương châm “chủ quyền, bền vững và thịnh vượng”.
Gần đây, chính phủ cũng quan tâm đến việc mở rộng hợp tác khu vực nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản với tư cách một thành viên của Mạng lưới Trung tâm Nuôi trồng thủy sản châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên không đề cập đến việc khuyến khích đầu tư nước ngoài cho các dự án địa phương.