Indonesia muốn dẫn đầu thế giới lĩnh vực chế biến cá
Là đất nước quần đảo có trên 81.000 km đường bờ biển và các khu vực biển trải rộng trên 5,8 triệu km2 giàu tài nguyên thủy hải sản với nhiều khu kinh tế đặc biệt, Indonesia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành nước sản xuất cá và các sản phẩm từ cá lớn nhất thế giới vào năm 2014.
Theo Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, Sharif Cicip Sutardjo, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thủy hải sản toàn cầu ngày một suy giảm, Indonesia đang tập trung vào quản lý bền vững các nguồn tài nguyên của mình, phát huy tiềm năng to lớn về nuôi trồng thủy sản để đạt được sự phát triển kinh tế cân bằng, phù hợp với 4 trụ cột của phát triển kinh tế quốc gia, bao gồm hỗ trợ tăng trưởng, việc làm, người nghèo, và môi trường.
Tại Hội nghị quốc tế về nuôi trồng thủy sản (ICAI) mới đây ở Semarang, tỉnh Trung Java, ông Sharif Cicip Sutardjo cho biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Indonesia ước đạt 9,42 triệu tấn vào cuối năm 2012, tăng 35% so với năm 2011 và dự kiến vào năm 2014 ngành thủy hải sản sẽ đóng góp 65.840 tỷ rupiah vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 6,75% so với mức 50.700 tỷ rupiah năm 2010.
Bộ trưởng Sharif Cicip Sutardjo nêu rõ việc tăng tốc phát triển ngành thủy hải sản của Indonesia phụ thuộc vào 8 yếu tố quan trọng, bao gồm đảm bảo khả năng khai thác các nguồn tài nguyên biển, cơ sở và điều kiện nuôi trồng thủy sản, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm thủy sản, nguồn nhân lực đầy đủ có chất lượng, quản lý tốt thị trường, hỗ trợ đầu tư từ cộng đồng kinh doanh, và các quy định thuận lợi của chính phủ. Tuy nhiên, mọi sự phát triển của ngành đều phải tuân thủ nguyên tắc không gây tổn hại đến sự bền vững của môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Để đạt được mục tiêu nói trên, trong năm 2013, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia sẽ tiến hành công nghiệp hóa tại 11 địa điểm, trong đó có 5 cảng đánh bắt cá ngừ, triển khai 8.000 chuyên gia tư vấn trong cả nước để giúp các doanh nghiệp thủy sản hoạt động độc lập hơn.
Theo ông Sharif Cicip Sutardjo, hiện Indonesia đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 4,5 tỷ USD, nhưng vẫn đang tụt hậu so với Thái Lan (ít nhất là 8 tỷ USD) và Việt Nam (trên 5 tỷ USD)." Sản lượng thủy sản nuôi trồng của Indonesia đã tăng từ 4,78 triệu tấn năm 2010 lên 7,9 triệu tấn năm 2011, và dự kiến đạt 9,42 triệu tấn năm 2012.
Để thúc đẩy sản xuất thủy sản, Indonesia đang nỗ lực khuyến khích việc sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng, cải thiện hệ thống giao thông vận tải và hậu cần, tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị và hội thảo quốc tế về thủy sản, hội nhập vào mạng toàn cầu, và đẩy mạnh trao quyền cho các cộng đồng ven biển thông qua cung cấp vốn, đào tạo và tư vấn./.