Israel đột phá công nghệ nuôi tôm
Đại học Ben-Gurion (BGU), Negev đã phát triển công nghệ sinh học tiên tiến gây lặn gen, làm thay đổi giới tính tôm, tạo ra những quần thể tôm toàn đực, giúp tăng sản lượng nuôi. Tháng 11/2012, công nghệ này được áp dụng đối với tôm càng xanh ĐBSCL.
Công nghệ bền vững
Giáo sư Amir Sagi, Đại học BGU, cha đẻ của công nghệ này cho biết: “Đây là một công nghệ bền vững bởi nó không sử dụng bất kỳ hóa chất hay hormone (kích thích tố) nào và không tạo ra tôm biến đổi gen. Công nghệ này giúp thực hiện hoàn hảo công nghệ nuôi tôm đơn tính độc đáo mà trước đó chúng tôi đã đề xuất dựa vào sự phát hiện các cá thể tôm đơn tính tự nhiên hoặc được tạo ra nhờ sử dụng hormone đực để tác động làm biến đổi giới tính. Do các cá thể đực phát triển nhanh hơn nên phát kiến mới này có thể giúp người nuôi tăng thu nhập”.
Giáo sư Amir Sagi cho biết thêm, công nghệ sản xuất tôm giống toàn đực hiện nay chỉ mới triển khai tại Trung Quốc, trong quá trình sản xuất không sử dụng hormone, không dùng thuốc, không dùng phương pháp gây biến đổi gen… cho kết quả 100% tôm giống toàn đực, tỷ lệ tôm sống đạt 80 - 90%. Khi đưa ra nuôi thương phẩm với môi trường nuôi tốt, sau 5 tháng sẽ cho trọng lượng 100 gram/con, năng suất sẽ tăng thêm 60% so với tôm giống hỗn hợp (con đực và cái).
Doron Krakow, Phó chủ tịch điều hành American Associates, BGU cho biết: “Trong những năm qua, GS Sagi là người tiên phong xây dựng nhiều công nghệ nâng cao sản lượng gạo và giáp xác ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Khi thế giới đối diện những thách thức về tăng trưởng dân số và các nguồn lực tự nhiên giảm sút, công nghệ này của GS Sagi cung cấp giải pháp bền vững để phát triển ngành tôm đối với các nước đang phát triển”.
Áp dụng tại Việt Nam
Công nghệ mới này đã được cấp bằng sáng chế và được chuyển giao cho Tập đoàn Tiran, Isarel, thông qua Công ty chuyển giao công nghệ BGN Technologies thuộc BGU. Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Tiran đã làm việc với Công ty Green Advance (Việt Nam) để triển khai áp dụng công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực mới của Israel tại ĐBSCL.
Chương trình hợp tác, liên doanh giữa Công ty Green Advance và Tập đoàn Tiran sẽ cung cấp kỹ thuật sản xuất con giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ mới, không cần vi phẫu cho Trung tâm Giống thủy sản An Giang để từ đó phân bổ con giống, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi.
Áp dụng công nghệ tiên tiến nhất Israel hiện nay, công nghệ tôm càng xanh toàn đực cho phép xác định giới tính của tôm ở giai đoạn rất sớm, từ đó nâng cao tỷ lệ chuyển đổi thành công giới tính tôm, loại bỏ tình trạng tôm chết trong quá trình vi phẫu.
Bên cạnh đó, vì công nghệ này không sử dụng hóa chất và hormone nên không gây biến đổi gen và hoàn toàn an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả đối chứng cho thấy, tôm càng xanh toàn đực cho sản lượng tôm thương phẩm tăng 100% trong khi thời gian nuôi ngắn hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi tăng đến 60%.
Hơn nữa, tôm càng xanh toàn đực cho sản phẩm có kích cỡ lớn và đồng đều, từ đó nâng cao được giá bán. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam nói riêng và ngành thủy sảnViệt Nam nói chung trên thương trường.
>> Bên cạnh công nghệ tôm càng xanh toàn đực không vi phẫu, liên doanh giữa Công ty Green Advance và Tập đoàn Tiran còn giới thiệu công nghệ sản xuất giống cá rô phi tiên tiến nhất của Israel hiện nay, với các dòng cá rô phi mang những đặc tính sinh học vượt trội và giá trị kinh tế cao.