TIN THỦY SẢN

Kẽm hữu cơ tác động tới tôm thẻ thế nào?

Kẽm hữu cơ có nhiều tác động tích cực đến tôm thẻ chân trắng Hà Tử

Cải thiện chất lượng tôm bảo quản lạnh, thúc đẩy hoạt động miễn dịch, và nhất là dễ dàng qua thành ruột tôm. Đó là phức hợp acid amin Kẽm.

Kẽm là một nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, sinh sản, tổng hợp protein, sản xuất năng lượng và hình thành các gen trên cơ thể của cả con người và động vật. Thêm nữa, kẽm cũng có một số chức năng đặc biệt trong các chất chống oxy hóa và phản ứng miễn dịch, cũng như xúc tác hoạt động hình thành một số enzyme. Tuy nhiên việc hấp thu kẽm của các động vật hầu như đều không hiệu quả, điều này lâu ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các chức năng sinh lý đề cập bên trên.

Do lượng bột cá sản xuất trên thực tế không đủ cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản, nên bắt buộc người ta phải bổ sung thêm các nguồn protein thực vật. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy acid phytic trong protein thực vật sẽ làm giảm lượng kẽm sẵn có, dẫn đến việc luôn phải bổ sung một lượng lớn kẽm trong thành phần thức ăn. Tuy nhiên lượng kẽm này lại có thể gây ô nhiễm trong môi trường nước, thậm chí còn trở nên độc hại đối với sinh vật khác, do tôm chỉ hấp thu được một lượng nhỏ. Bởi vì lâu nay người ta vẫn bổ sung kẽm vào thức ăn của các loài thủy sản nhất là tôm thẻ chân trắng bằng hình thức muối vô cơ chẳng hạn như sunfat hoặc cacbonat. 

Do vậy, hiện nay người ta bắt đầu sử dụng nguồn kẽm hữu cơ dạng acid amin vào thức ăn, hoạt động tốt hơn và đảm bảo được sự hòa tan khi vào trong đường tiêu hóa. Đây được coi là một sự thay thế hiệu quả cho kẽm vô cơ. Tác dụng của kẽm hữu cơ là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, nó không chỉ tác động tới việc tiêu hóa mà còn ngăn cản sự oxy hóa và tăng khả năng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng- loài nuôi phổ biến nhất trong ngành thủy sản. Dưới sự phát triển nhanh chóng của các mô hình nuôi tôm, thì các nghiên cứu nhằm giảm thiểu các tác động xấu từ thức ăn đối với môi trường ngày càng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sự ô nhiễm từ các kim loại nặng, hạn chế sự phát triển lành mạnh và bền vững của nghề nuôi tôm. Sau bài viết người hy vọng chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về ứng dụng của kẽm hữu cơ đối với tôm thẻ chân trắng.

Các dạng kẽm khác nhau được bổ sung sẽ có sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn đối với tôm. Chế độ cho ăn kẽm hữu cơ được chứng minh là có lợi hơn so với chế độ ăn kẽm vô cơ. Khi chúng không sinh ra acid phytic như các nguồn từ thực vật như bột đậu nành hay cám gạo. Các cơ chế mà kẽm hữu cơ cải thiện hiệu suất tăng trưởng của tôm vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên dễ thấy là kẽm hữu cơ được hấp thu và đi qua thành ruột dễ dàng, trong khi kẽm vô cơ lại vô cùng khó khăn để đi qua được màng nhầy của ruột.

Kẽm là nguồn năng lượng chính của niêm mạc ruột và là tiền chất của protein với một số phân tử tính hiệu của hệ miễn dịch, do đó cũng duy trì cấu trúc và chức năng của cơ thể tôm. Kẽm là chất tham gia vào quá trình tổng hợp protein và chuyển hóa glucose, tạo ra những chất trung gian trao đổi chất, từ đó ảnh hưởng đến các đặc điểm huyết học của tôm. Hàm lượng lipid trong cơ thịt khi cho ăn với kẽm hữu cơ tăng lên rất cao, tuy nhiên chưa có nghiên cứu về sự chuyển hóa giữa hàm lượng kẽm này với lipid.


Khả năng giữ lại nước trong cơ của tôm rất quan trọng nhất là trong quá trình vận chuyển và bảo quản đông lạnh. Đây là một chỉ số dùng để đánh giá chất lượng, thịt tôm có quá khô hay không, hương vị có được giữ được nguyên vẹn hay không đều nhờ vào chỉ tiêu này. Khi cho ăn với kẽm hữu cơ, thì cho thấy hiệu quả bảo quản tôm tốt hơn nhiều do kẽm làm giảm sự thất thoát nước trong cơ thịt tôm ra bên ngoài, giữ lại hương vị. Hơn nữa kẽm hữu cơ còn giúp tăng tình trạng chống oxy hóa, tăng nồng độ canxi và ổn định pH của tôm sau khi đã chết.

Kẽm ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn quá trình oxy hóa tế bào, thì còn là chất thiết yếu đối với hệ miễn dịch của tôm. Chịu trách nhiệm cho quá trình nhận biết vật lạ xâm nhập vào cơ thể tôm, từ đó thúc đẩy các cơ chế phòng vệ của tôm diễn ra nhanh hơn. Enzyme phenoloxidase chống lại mầm bệnh, lysozyme kích thích quá trình thực bào cũng được kích hoạt nhanh chóng nhờ kẽm. Kẽm lại còn tương tác với quá trình phiên mã nội bào và biểu hiện gen trong quá trình phiên mã. Sự cân bằng nội môi với kẽm hữu cơ cũng tốt hơn rất nhiều so với khi sử dụng kẽm vô cơ như trước.

Tóm lại, kẽm hữu cơ có hiệu suất sử dụng tốt hơn kẽm vô cơ, không chỉ cải thiện quá trình tăng trưởng mà còn làm giảm lượng kẽm ô nhiễm môi trường nếu quá dư thừa trong thức ăn. Tiếp đó, kẽm hữu cơ làm chất lượng của tôm đông lạnh tốt hơn khi đến tay người tiêu dùng. Điểm mạnh nhất phải kể đến nữa là việc hỗ trợ tận lực cho khả năng chống oxy hóa của tế bào và tăng cường sự miễn dịch không đặc hiệu của tôm. Đây sẽ là một bằng chứng khoa học về lợi ích của phức hợp acid amin kẽm trong các nghiên cứu tiếp theo.

Hà Tử