Kết hợp nhiều giải pháp để giữ vùng quy hoạch ngọt
Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cùng với việc một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào để nuôi tôm đã làm gần 12.000 ha đất quy hoạch sản xuất lúa bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Đặc biệt, có trên 200 ha trong vùng quy hoạch sản xuất lúa hai vụ ở huyện Thới Bình và U Minh bị nhiễm mặn. Để hạn chế và khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh có nhiều công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT và các huyện vào cuộc quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá:
Tình trạng đất nông nghiệp, nhất là vùng quy hoạch lúa hai vụ bị nhiễm mặn sẽ gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Những hệ luỵ trước mắt có thể dễ dàng nhìn thấy chính là mặn không ra mặn mà ngọt không phải ngọt, nên việc sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trồng lúa không được mà nuôi tôm cũng chẳng xong. Tình trạng này còn gây ra mâu thuẫn trong Nhân dân. Về lâu dài, nếu việc xâm mặn kéo dài thì quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, môi trường ô nhiễm và người hứng chịu hệ luỵ này chính là nông dân.
- Quy hoạch tổng thể của ngành trong sản xuất tôm, lúa hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tranh: Hiện toàn tỉnh có 290.000 ha đất nuôi tôm bao gồm nhiều hình thức, từ quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến cho đến tôm công nghiệp. Do đó, chủ trương của tỉnh là không mở rộng thêm diện tích đất nuôi tôm mà tiến tới nâng dần năng suất. Đồng thời, về lâu dài sẽ có sự điều chỉnh lại diện tích cho phù hợp hơn giữa diện tích trồng lúa và nuôi tôm.
Những vùng trước đây quy hoạch nuôi tôm nhưng không hiệu quả sẽ điều chỉnh trở lại sản xuất lúa hoặc một vụ lúa, một vụ tôm. Ngoài ra, sở đang kết hợp với địa phương tiến hành rà soát để thực hiện việc tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện nhất.
- Với những hệ luỵ to lớn có thể để lại do tình trạng xâm mặn cũng như việc một số hộ dân tự ý chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, ngành có hướng xử lý và khắc phục như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tranh: Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo ngành cũng như các huyện phải vào cuộc kiên quyết bằng nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với tình trạng xâm mặn do tác động của thời tiết, Sở đã tiến hành rà soát và có kế hoạch gia cố lại đê bao, đắp đập ngăn mặn. Đồng thời, vận động người dân tự gia cố bờ bao khuôn hộ để chống xâm mặn.
Còn đối với tình trạng người dân một số nơi tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được tác hại của xâm mặn về lâu dài. Đồng thời, sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Ngành phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch hợp lý và kịp thời, giúp người dân có điều kiện tốt nhất trong sản xuất.
-Xin cảm ơn ông!