TIN THỦY SẢN

Kết quả quan trắc và khuyến cáo phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi Khánh Hòa

Giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi tôm phường Ninh Hà, Ninh Hòa Phòng Thú y

Theo kết quả quan trắc môi trường và giám sát vùng nuôi tháng 6 và tháng 7/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo về công tác phòng bệnh cho tôm nuôi nước lợ, tôm hùm tại Khánh Hòa như sau:

 I.Kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh

1. Thông số quan trắc môi trường

- Một số lưu ý về các chỉ tiêu môi trường (nhiệt độ, độ mặn, pH, NO2-, NH3, H2S, COD, tổng chất rắn lơ lửng TSS) trong tháng 6 như sau:

+ Khu vực nuôi tôm nước lợ: Kết quả giám sát định kỳ một số yếu tố môi trường nước ao nuôi tôm phát hiện sự có mặt của tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng, hàm lượng NO2- trong môi trường một số ao nuôi cao hơn giới hạn cảnh báo và đều có biểu hiện ô nhiễm hữu cơ (thông số COD và TSS cao). Mật độ vi khuẩn Vibrio vượt giới hạn cho phép trong nước khu vực cấp Tân Thủy, Ninh Lộc, Ninh Hòa (5,7 x 103 cfu/mL).

+ Khu vực nuôi tôm hùm lồng: Hầu hết các chỉ tiêu môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng so với các đợt quan trắc trước nhưng đa số vẫn chưa phù hợp nuôi tôm hùm theo QĐ số 2383/QĐ-BNN-NTTS (từ 6,20-7,20 mg/L). Cụ thể, DO tại Đầm Môn, Vạn Thạnh, Vạn Ninh dao động từ 5,76-5,96 (mg/L); Xuân Tự từ 5,53-5,78 (mg/L). Riêng khu vực Vũng Ngán hàm lượng oxy hòa tan tăng đáng kể và phù hợp nuôi tôm hùm (6,42-6,68 mg/L). Mật độ vi khuẩn Vibrio vượt giới hạn cho phép tại khu nuôi Đầm Môn (1,2 x 103 cfu/mL), Xuân Tự (8,1 x 103 cfu/mL).

2. Giám sát dịch bệnh

- Tôm thẻ, tôm sú: trong tháng 6, tại tất cả các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thấy xuất hiện nhiều hơn hiện tượng bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy so với các tháng trước, gây thiệt hại ít nhất 20% đến mất trắng. Kết quả xét nghiệm mẫu định kỳ của Chi cục cho thấy 6/18 mẫu tôm bị nhiễm đốm trắng (WSSV) và 2/18 mẫu nhiễm hoại tử gan tụy (AHPND); ngoài ra, 6/18 mẫu nhiễm vi bào tử trùng (EHP). Các mẫu xét nghiệm trong đợt 1, tháng 7 không phát hiện bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy, tuy nhiên đa số các mẫu nhiễm EHP (11/13 mẫu). 

- Tôm hùm: tình hình nuôi tôm hùm trong tháng 6 tương đối ổn định, cán bộ Chi cục thường xuyên giám sát vùng nuôi để phát hiện tình hình dịch bệnh.

II. Khuyến cáo

1. Vùng nuôi tôm nước lợ

- Diệt khuẩn bờ ao bằng hóa chất khử trùng hoặc vôi thủy sản.

- Hạn chế người đi vào cơ sở nuôi; người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi hạn chế sang cơ sở có tôm bị bệnh hoặc chết chưa rõ nguyên nhân; trường hợp phải vào ao thì cần thay quần áo và lội qua nước khử trùng (Chlorine hoặc Formol 5%).

- Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.

- Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môitrường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2- và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio (Lưu ý: khi dùng chế phẩm sinh học nên ngừng cho tôm ăn 1-2 ngày).

- Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đánh xuống ao định kỳ nếu đáy ao nhiễm phèn, đóng chặt cống cấp và thoát nước, quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá,…vào ao, căng dây, lắp hình nộm để chống chim cò vào ao.

- Đối với cơ sở nuôi có mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh hoại tử gan tụy (AHPND) và/hoặc bệnh đốm trắng (WSSV), yêu cầu tuyệt đối không tháo nước ra ngoài môi trường, cần ngừng cho tôm ăn 1-2 ngày, sau đó cho tôm ăn hạn chế bằng 10% định mức hàng ngày rồi tăng dần cho tới khi đạt định mức bình thường trong vòng 7-10 ngày. Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe tôm và báo ngay với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Trạm Chăn nuôi và Thú y) hoặc Chi cục Thủy sản (Trạm Thủy sản) tại địa phương khi tôm có dấu hiệu bất thường.

- Đối với ao nuôi tôm có hàm lượng NO2-và vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt giới hạn cho phép, cơ sở nuôi cần tăng cường sục khí Oxy, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm. Xác định chính xác khẩu phần thức ăn bằng cách sử dụng sàng để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường vệ sinh/siphon đáy ao kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm khí độc, bổ sung vitamin, khoáng vi lượng để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Thường xuyên duy trì mực nước 1,3-1,5m và ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng của tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Tăng cường quạt nước khi trời nắng nóng, xả bớt nước tầng mặt sau khi có mưa lớn, tránh hiện tượng phân tầng.

2. Vùng nuôi tôm hùm lồng

- Quản lý môi trường vùng nuôi: Ô nhiễm chất dinh dưỡng từ vùng ven bờ và khu nuôi có xu hướng tăng. Do đó, người nuôi tôm hùm cần thu gom thức ăn thừa, xác tôm lột và xử lý xa khu vực nuôi.

- Quản lý sức khỏe tôm hùm nuôi: Hiện nay hàm lượng oxy hòa tan trong nước tại các vùng nuôi chưa đảm bảo cho tôm hùm nuôi, ô nhiễm chất dinh dưỡng và mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao cùng với thời tiết nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa rào sẽ làm tăng nguy cơ biến động các yếu tố môi trường và nguy cơ tôm hùm bị nhiễm bệnh đỏ thân. Do đó, người nuôi cần theo dõi, kiểm tra tôm thường xuyên, cần chú ý đến màu nước trong khu vực nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Để nâng cao sức khỏe và phòng bệnh cho tôm nuôi, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng, treo túi vôi xung quanh lồng; sát trùng thức ăn bằng thuốc tím; san thưa mật độ nuôi; tách riêng các cá thể nhiễm bệnh để điều trị tích cực, tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho tôm hùm nuôi.

Phòng Thú y Chi cục Chăn nuôi và Thú y KH