TIN THỦY SẢN

Kêu cứu khi con tôm hại cây lúa

Ông Lê Văn Chuẩn trên bờ vuông tôm mới đã bơm đầy nước mặn - Ảnh: NG.TRIỀU Nguyễn Triệu

Hàng trăm hộ dân ở xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) vừa kêu cứu khi một số hộ dân tự ý bơm nước mặn vào nuôi tôm khiến đồng ruộng bị nhiễm mặn làm lúa chết, đất bỏ hoang...

Nhiều nông dân cho biết đã “mất ăn mất ngủ” vì vụ lúa hè thu mới gieo sạ đã chết sạch do bị nhiễm mặn. Điều đáng nói là nước mặn không phải xâm nhập tự nhiên vào ruộng mà do một số hộ dân tại đây tự ý bơm vào để nuôi tôm.

Người trồng lúa 
khóc ròng

Dẫn chúng tôi ra đồng để xem tận mắt những thửa ruộng “lúa chết sạch trơn”, ông Lâm Hoàng Hai (ấp Nam Quý) chỉ cho chúng tôi xem những cánh đồng dọc hai bên con kênh Nhị Tỳ thiếu vắng màu xanh của lúa, dù đang vào vụ hè thu. Nhiều thửa ruộng nước ngập nửa ống chân chỉ lác đác cỏ năng. Có những thửa ruộng cây lúa cao hơn gang tay đã héo vàng, thối rữa.

Gia đình ông Hai có tổng cộng 19 công đất chuyên trồng lúa hai vụ, trong đó vụ hè thu cho thu hoạch 40-50 giạ (tương đương 8-10 tấn/ha) mỗi năm. Tuy nhiên, mùa này gia đình ông không thể xuống giống vì nước trên ruộng đã bị nhiễm mặn 10-12‰, trong khi cây lúa gặp mặn chỉ 4-5‰ là sẽ bị mất trắng. “Chú coi, làm ruộng mà gặp cảnh này thì làm sao sống nổi” - ông Hai bức xúc.

Cạnh đó, hơn 30 công lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng cũng èo uột, có nơi bị héo. Khoảng một tháng trước, khi vào vụ, gia đình bà xuống giống sạ khô để đón mưa. Nào ngờ mưa xuống cây lúa không xanh tốt mà lại héo dần. Đưa tay vốc đất lên, phần rễ lúa đã thối rữa hết. “Thấy cây lúa rễ không bám đất, tui mua phân về rải mỗi công 10kg, vậy mà lúa vẫn chết. Khi đo thử nước thì thấy nhiễm mặn tới 6-7‰” - bà Hoàng kể.

Theo khảo sát sơ bộ, chỉ riêng cánh đồng tứ giác nằm giữa kênh xáng Xẻo Rô, kênh Thứ Năm, kênh Nhị Tỳ và kênh Ba Ngàn đã có gần 100 hộ với hơn 1.000 công đất bỏ trắng hoặc lúa đã chết vì nhiễm mặn. Nguyên nhân nhiễm mặn được người dân xác định là do một số hộ tự ý cuốc đất ruộng làm vuông tôm và bơm nước mặn vào để nuôi tôm khiến nước mặn lan sang ruộng lúa.

Quan sát tại chỗ cho thấy ở những thửa ruộng tiếp giáp các vuông tôm, lúa đã bị chết sạch, trong khi ở những thửa ruộng cách xa vài trăm mét lúa cũng bị vàng héo. Không cần tới máy đo, chỉ cần nếm thử nước trên mặt ruộng cũng cảm nhận được vị mặn.

Cán bộ cũng “xé rào” nuôi tôm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 30 hộ ở ấp Nam Quý đã tự ý chuyển đổi hơn 300 công đất ruộng trồng lúa thành vuông tôm. Trong đó, các hộ ông P.C.T., P.C.M., Ph., Ch.C.... đã nuôi từ nhiều năm nay bất chấp phản đối của người dân địa phương. Nhiều hộ khác tự nuôi hoặc cho người từ nơi khác đến thuê đất để làm vuông tôm.

Đáng lưu ý, trong số những người thuê đất nuôi tôm có cả cán bộ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện An Biên, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kiên Giang. Trong đó, một cán bộ tên G., Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, thuê hơn 100 công đất của người dân để nuôi tôm mặc dù biết rằng khu vực này không nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm.

Ông Lê Văn Chuẩn - một hộ nuôi tôm - cho hay ban đầu ông cũng không định nuôi, nhưng khi hai cán bộ địa chính huyện tới thuê đất kế bên để nuôi thì ông cũng nuôi theo. “Họ nuôi sát bên mình, không nuôi cũng đâu có được. Tui biết là sẽ ảnh hưởng xung quanh nên hứa bồi thường cho đứa cháu ở kế bên mỗi công 8 giạ lúa” - ông Chuẩn nói.

Ông Lê Văn Liền - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Biên - cho biết khi hay tin một số cán bộ huyện, tỉnh đưa máy xúc cuốc ruộng làm vuông, ông đã trực tiếp gặp và đề nghị chỉ được nuôi tôm nước ngọt (tôm càng xanh), không được đưa nước mặn vào để nuôi tôm sú.

Theo ông Nguyễn Việt Bình - phó chủ tịch UBND huyện An Biên, khoảng 5 năm trước khi “phong trào” nuôi tôm sú phát triển mạnh, nhiều hộ dân tại xã Đông Thái đã xin chủ trương chuyển sang làm một vụ lúa, một vụ tôm.

Sau đó, UBND huyện An Biên quy hoạch thí điểm một số khu vực chuyển đổi sang nuôi tôm. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng, kênh mương thủy lợi không đảm bảo được nguồn nước phục vụ sản xuất nên UBND huyện đã quyết định xóa quy hoạch vùng nuôi tôm. Những hộ dân hiện nay tự ý đào vuông, đưa nước mặn vào nuôi tôm là trái quy hoạch” - ông Bình nói.

Phải bồi thường thiệt hại 
cho người trồng lúa

Ông Nguyễn Công Trận - chủ tịch UBND huyện An Biên - cho hay sau khi có khiếu nại của người dân về tình trạng nuôi tôm gây thiệt hại lúa, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống xã và chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản để xử lý các hộ tự ý nuôi tôm sai quy hoạch và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân.

“Riêng những trường hợp cán bộ huyện, tỉnh thuê đất nuôi tôm gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm, trường hợp là đảng viên cũng sẽ đề xuất xử lý về mặt đảng, không bao che” - ông Trận khẳng định.

Nguyễn Triệu Tiền Giang, 24/06/2016