TIN THỦY SẢN

Khai mạc VietShrimp 2025 “Xanh hóa vùng nuôi” với hơn 200 gian hàng

Cắt băng khai mạc VietShrimp 2025 Sáu Nghệ

Sáng 26/3/2025, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ đã khai mạc Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2025 (VietShrimp 2025) với hơn 200 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

VietShrimp 2025 được sự đồng ý của Bộ NN&MT cùng UBND thành phố Cần Thơ, nên Cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp Hội Thủy sản Việt Nam giao cho Tạp chí Thủy sản Việt Nam hợp tác Tập đoàn quốc tế Informa Markets tổ chức. Dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè và đại diện nhiều cơ quan trung ương, địa phương. 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, suốt 2 thập kỷ qua, hằng năm ngành tôm xuất khẩu 3,5 - 4 tỷ USD. Nuôi tôm phát triển mạnh mẽ đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, cũng khiến môi trường nuôi tại nhiều vùng dần biến đổi, suy thoái và ô nhiễm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, một trong những mục tiêu là xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Xanh hóa chuỗi sản xuất là mục tiêu ngành tôm Việt Nam hướng đến và cũng là giải pháp mà thế giới lựa chọn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng. Đó là chiến lược của ngành tôm và cũng là mục đích VietShrimp 2025 hướng tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ: VietShrimp 2025 là dịp để các bên cùng trao đổi thảo luận tìm ra giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững của ngành tôm, nhất là với xu hướng sản xuất xanh. Kết quả sẽ có giá trị góp phần hiện thực hóa chủ trương của Cần Thơ đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ về thủy sản, đặc biệt là trung tâm sản xuất giống thủy sản chủ lực chất lượng cao. 

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thêm: “Khi chúng ta hội nhập sâu vào thế giới bắt buộc phải thay đổi mạnh mẽ, trong đó khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Do vậy, việc tổ chức VietShrimp 2025 có ý nghĩa to lớn, góp phần truyền tải kỹ thuật, nâng tầm tôm Việt, giúp bà con nông dân tiếp cận với công nghệ mới. Một chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, quy trình thu hoạch, truy xuất nguồn gốc an toàn sẽ tạo động lực phát triển ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung”.

Nhiều đại biểu quan tâm giải pháp toàn diện cho nuôi tôm bền vững. Hai người đeo cà vạt từ trái qua: Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến

Ban Tổ chức cho biết, VietShrimp đã trải qua 5 lần tổ chức vào các năm 2016, 2018 tại tỉnh Bạc Liêu; năm 2021, 2023 tại thành phố Cần Thơ và năm 2024 tại tỉnh Cà Mau với những dấu ấn đậm nét; ngày càng khẳng định được uy tín của một hội chợ riêng về con tôm của Việt Nam cũng như thế giới. VietShrimp luôn thu hút sự quan tâm lớn của nhà quản lý, doanh nghiệp, người nuôi tôm và các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế. 

VietShrimp 2025 diễn ra 3 ngày từ 26 - 28/3/2025. Trong khuôn khổ VietShrimp 2025 có 4 phiên hội thảo với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người nuôi tôm tập trung vào các giải pháp bền vững. Đó là những mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học và hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) nhằm giảm phát thải và tối ưu hóa sản xuất. Qua đây cung cấp góc nhìn mới, góp phần định hình chiến lược giúp ngành tôm thích ứng tốt hơn trước những thách thức về môi trường. 

Ngày 26/3, buổi sáng diễn ra phiên hội thảo 1 với chủ đề “Phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam” do Cục Thủy sản và Kiểm ngư chủ trì, cung cấp bức tranh toàn cảnh ngành tôm Việt Nam năm 2024 và định hướng năm 2025. Buổi chiều diễn ra phiên 2 “Nuôi tôm giảm phát thải” do Ban Tổ chức VietShrimp 2025 chủ trì, giới thiệu các mô hình, sáng kiến đổi mới giúp ngành tôm giảm khí thải và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Ngày 27/3 diễn ra phiên 3 và 4, do Ban Tổ chức VietShrimp 2025 chủ trì. Phiên 3 “Phát triển chuỗi cung ứng ngành tôm” xoay quanh các giải pháp liên quan tới toàn bộ chuỗi mắt xích trong ngành tôm từ giống tôm, thức ăn, dinh dưỡng, thuốc tới logistics nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí. Phiên 4 “Tăng công nghệ – Giảm chi phí trong nuôi tôm” giới thiệu các giải pháp công nghệ số, tự động hóa và phân tích dữ liệu giúp quản lý ao nuôi hiệu quả, tối ưu hóa năng suất và giảm phụ thuộc vào lao động thủ công.

Sáu Nghệ