TIN THỦY SẢN

Khẩn cầu từ vùng nuôi tôm Mỹ Thanh

Sau hơn 2 năm thiệt hại, nhiều ao nuôi đã bị treo vì thiếu vốn

Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng vừa có thư cầu cứu các ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp chế biến của tỉnh. Trong thư, Hiệp hội bày tỏ: Người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã kiệt quệ sau hơn 2 năm tôm bị dịch bệnh lạ, đã gần như không còn vốn để tiếp tục thả nuôi trong vụ tôm 2013 tới đây. Hiện nay, dịch bệnh đã có phần suy giảm, nhưng số ao nuôi bị "treo" vẫn còn rất lớn…

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết: "Hiệp hội chúng tôi gởi thư kêu cứu không phải chỉ cho riêng mình, mà cho cả ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Hiện nay, phần lớn người nuôi tôm đã kiệt quệ, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ, người nuôi tôm và cả ngành tôm của tỉnh, khu vực sẽ rất khó gượng dậy sau hơn 2 năm thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh và các rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu". Với tâm huyết vực dậy cho cả ngành tôm nên ngoài việc mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, lá thư còn đề cập đến những khó khăn hiện tại của các nhà máy chế biến thủy sản đã tác động không nhỏ đến hiệu quả của người nuôi tôm. Theo đó, với rào cản về chất kháng sinh cấm có trong tôm nuôi, mà mới đây nhất là chất Ethoxyquin và sắp tới sẽ là Oxytetracylin từ phía Nhật Bản khiến giá tôm Việt Nam bị hạ thấp, số lượng tiêu thụ giảm, một số nhà nhập khẩu rời bỏ tôm Việt Nam làm cho nhiều nhà máy chế biến bị thua lỗ nặng nề.

Trước những khó khăn chung cho cả người nuôi tôm lẫn các nhà máy chế biến, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đề nghị Chính phủ tăng cường quan hệ với các nước, nhất là Chính phủ Nhật Bản cần có quy chế "đối xử công bằng hơn" với mặt hàng tôm Việt Nam về vấn đề chất khánh sinh, nhất là Ethoxyquin; đồng thời có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các công ty chế biến thủy sản tôm xuất khẩu như: lùi thời gian trả nợ 24 tháng, cho vay với lãi suất ưu đãi… Trong lá thư có đoạn: "Tỉnh Sóc Trăng đã xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng hiện nay, nhiều người nuôi tôm bỏ ao, treo ao, nhiều công ty chế biến tôm xuất khẩu đang lâm vào tình trạng phá sản…Tất cả đã và đang làm cho một bộ phận người nghèo ở cả nông thôn lẫn thành thị trong tỉnh bị mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống. Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đang ra sức cùng các cơ quan chức năng, các công ty chế biến tôm cố gắng phục hồi ngành tôm của tỉnh, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ sẽ rất khó"...

Sau thời gian dài đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như khu vực, nghề nuôi và chế biến tôm xuất khẩu đang đứng trước hoàn cảnh hết sức khó khăn cần có sự tiếp sức từ Chính phủ. Tuy nhiên, trong phần lớn các văn bản về gói hỗ trợ thủy sản chủ yếu chỉ mới tập trung vào con cá tra, còn con tôm thì rất ít khi được nhắc tới. Ông Nguyễn Văn Nhiệm nói: "Tôi rất hy vọng, lời khẩn cầu từ vùng nuôi tôm sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tiếp nhận và có giải pháp tháo gỡ kịp thời".

Cần Thơn Online