Khánh Hòa: Ban hành Quy định tạm thời về cho vay vốn lưu động theo Nghị định 67
Ngày 15/7/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành “Quy định tạm thời về trình tự, thủ tục đăng ký, xác nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, cho vay vốn lưu động theo chính sách tín dụng của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ” kèm theo Quyết định số 1894/QĐ-UBND.
Theo đó, đối tượng đăng ký bao gồm các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản; nâng cấp máy tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV, thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%) để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Chủ tàu đăng ký vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
Điều kiện để đăng ký vay vốn là chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể; cam kết mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định đối với thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) sau khi hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp tàu và trước khi đưa vào sử dụng; có phương án vay vốn gửi ngân hàng thương mại cho vay để thẩm định...
Các nhóm nghề khai thác khuyến khích phát triển, ưu tiên đăng ký gồm: nghề lưới vây (lưới vây mạn và lưới vây đuôi), nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi (trừ nghề lưới rê khai thác cá ngừ), nghề câu khơi, nghề mành chụp (chụp cá, chụp mực...) và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Quy định này được thực hiện từ ngày ban hành đến hết năm 2016.