Khánh Hòa: Khốn đốn vì các trại nuôi thủy sản giống
Đang yên đang lành với nguồn nước ngọt từ các giếng khoan bao đời nay, bỗng cuộc sống của gần 20 hộ dân ở tổ dân phố Mỹ Á, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa bị đảo lộn khi phải sống chung với “nước biển”. Cho đến thời điểm này, dù vẫn chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng theo phần lớn người dân nơi đây, nước bị nhiễm mặn là do các hộ nuôi thủy sản giống trong khu vực.
Nước ngọt thành nước biển
Nhận được nguồn tin phản ánh của người dân trong vùng, chúng tôi có mặt tại khu phố Mỹ Á để thực địa. Ông Trương Văn Tấn (nhà cách các trại nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương khoảng 20m) chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, người dân quanh khu vực này đang phải sống dở chết dở với nguồn nước bị nhiễm mặn”. Nói đoạn, ông Tấn dẫn chúng tôi ra cái giếng khoan ở phía sau nhà, dùng gàu múc nước để được nếm thử. Dù màu nước vẫn trong như vốn có, nhưng khi hớp thử một ngụm, chúng tôi tá hỏa vì nước giếng mặn không thua kém gì nước biển. Theo ông Tấn, vùng này cách biển gần 1km, nhưng cách đây 10 năm trở về trước, người dân nhiều thế hệ vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt, chưa có trường hợp nào bị nhiễm mặn giống như hiện nay. Mọi rắc rối bắt đầu từ năm 2001 khi một số người dân từ nơi khác đến mua đất để lập trại nuôi tôm giống nước mặn. Không biết họ làm ăn kiểu gì mà đến năm 2003, một số bể nuôi của các trại tôm này bị vỡ khiến nguồn nước biển thoát ra môi trường xung quanh gây ảnh hưởng đến nguồn nước của các hộ dân trong khu vực. Kể từ lần ấy, nước bắt đầu nhiễm mặn. Vụ này chưa kịp xử lý thì không lâu sau đó một số người khác lại tiếp tục về đây mở thêm trại nuôi tôm, ốc hương giống. Hết thảy họ đều ngang nhiên xả nước mặn ra bên ngoài dẫn đến việc hàng loạt hộ dân khác đều phải chung cảnh ngộ với nhà ông Tấn. Điều đáng nói, việc nhiễm mặn nguồn nước giếng khoan lại ngày càng trầm trọng. Không thể sống chung với nguồn nước mặn, hàng chục năm nay các hộ dân đã tìm đủ mọi cách nhưng chẳng ăn thua. Nhiều hộ ra sức khoan, đào thêm vài ba cái giếng ở những vị trí khác nhau với hi vọng tìm được mạch nước ngọt nhưng vô vọng. Nước vẫn bị mặn, không thể sử dụng được. Cây trồng theo đó chết dần, đến giờ chẳng còn cây nào có thể sống nổi ngoại trừ cỏ dại.
Nước giếng nhà ông Tấn mặn như nước biển
Cùng chung bức xúc ấy, ông Nguyễn Văn Phúc (nhà nằm kề một trại tôm) cũng nói thêm: sau sự cố, chủ các trại tôm cũng “đền” cho các hộ dân nơi đây bằng cái giếng khác, nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn nước lại bị nhiễm mặn. Cho người đến khoan thêm hai cái giếng nữa nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Nhiều năm qua, để có nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ngày nào tôi cũng phải lặn lội đi cả cây số để xin nước ngọt về nhà dùng.
Nói chung đã một thời gian dài, gần 20 hộ dân cạnh các trại nuôi thủy sản giống vô cùng khổ sở khi không có nguồn nước ngọt để sử dụng. Chẳng còn cách nào khác, họ đã gởi đơn cầu cứu đến cơ quan hữu trách.
Phải khắc phục!
Được biết, hiện trong khu dân cư nói trên có bốn trại nuôi tôm, ốc hương giống. Người dân địa phương một mực khẳng định đó chính là nguyên nhân trực tiếp khiến nguồn nước giếng của họ bị nhiễm mặn. Ông Trần Văn Nghĩa - Tổ phó tổ dân phố Mỹ Á, cho rằng: “Dẫu gần biển nhưng trước đây người dân trong khu vực này vẫn đào giếng để lấy nước ngọt. Chỉ đến khi các trại nuôi thủy sản giống xuất hiện, nguồn nước mới bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng”.
Một người trong nghề nuôi tôm giống cho biết: “Theo đúng quy trình, nuôi tôm giống mỗi tháng sẽ thu được hai lứa. Cứ sau mỗi lứa, chủ trại phải xả nước cũ để thay nước mới. Trong khi đó, thông thường mỗi trại tôm bình quân có 20-30 bể nuôi (mỗi bể khoảng 5m3). Nếu tính sơ bộ, hàng tháng lượng nước thải từ các trại này sẽ rất lớn, trong khi hệ thống được trang bị để xả nước ra biển thì bé xíu làm sao đáp ứng hết, chỉ còn cách xả trực tiếp ra môi trường.
Ống dẫn nước thải từ một cơ sở ra hồ vẫn còn tồn tại
Cơ quan chức năng trên địa bàn cũng đã nhiều lần tổ chức kiểm tra đối với các hộ nuôi hải sản giống tại đây và phát hiện một số hộ mắc đường ống dẫn từ bể chứa nước thải ra hồ cạnh nhà ở của các hộ dân. Việc trước mắt là đã yêu cầu các trại này tháo dỡ ngay đường ống để tránh tình trạng xả nước thải bừa bãi gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn như nước biển đã quá rõ ràng, nhưng không hiểu sao các ban, ngành có liên quan vẫn chưa đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục.
Ông Trần Văn Phải - Bí thư Đảng ủy phường Ninh Thủy - cho biết: “Nhiều hộ dân tổ Mỹ Á đang phải đối mặt với khó khăn khi nguồn nước bị nhiễm mặn. Hiện chúng tôi cũng đang chờ sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn. Theo quan điểm của tôi, việc tồn tại các trại nuôi thủy sản trong khu dân cư là khó chấp nhận và cần sớm tìm cách giải quyết. Phường cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên giúp đỡ trong việc tìm cách khắc phục nguồn nước, đồng thời phải quy hoạch lại vùng sản xuất tôm giống, chế biến thủy sản hợp lý để không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân xung quanh”.
Mong rằng nguyện vọng của gần 20 hộ dân được sinh sống trong một nguồn nước sạch, không bị nhiễm mặn sẽ sớm thành hiện thực.