TIN THỦY SẢN

"Khó ăn" khi nuôi tôm theo công nghệ cũ

Đầu tư công nghệ nuôi tôm để đạt được hiệu quả cao. Bình Nguyên

Các loại thủy sản cá, tôm, đặc biệt là con tôm thẻ, tôm sú nước lợ cũng là vật nuôi chủ lực của tỉnh Đồng Nai được tập trung phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, nông dân sẽ gặp nhiều rủi ro khi nuôi theo các cách cũ.

Trong đó, nuôi tôm nước lợ thâm canh đang đứng đầu về hiệu quả kinh tế nhưng vẫn thiếu bền vững vì rủi ro về dịch bệnh lớn. Người nuôi tôm hiện đang nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao để vừa giảm rủi ro dịch bệnh, vừa tăng năng suất, chất lượng con tôm nuôi.

Rủi ro lớn khi nuôi theo cách cũ

Theo so sánh của nông dân nuôi tôm, doanh thu bình quân của nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh ở địa phương đạt mức 1,25 tỷ đồng/ha, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn khi nuôi tôm thâm canh theo cách truyền thống nuôi trong ao đất là môi trường nước cung cấp cho các ao nuôi tôm ngày càng chịu sự ảnh hưởng bất lợi từ các chất thải sinh hoạt, chất thải từ các khu công nghiệp nên chất lượng nước không đảm bảo. Theo đó, rủi ro lớn nhất hiện nay là dịch bệnh trên thủy sản, đặc biệt với con tôm thẻ, tôm sú cũng ngày càng phức tạp, khó xử lý hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến việc nuôi tôm thời gian qua vẫn phát triển thiếu bền vững.

Ông Lê Văn Ly, nông dân nuôi tôm tại xã Phước An (H.Nhơn Trạch) so sánh, trước đây, nuôi tôm theo cách quảng canh, 1 năm chỉ nuôi 1 vụ, nguồn nước ít bị ô nhiễm nên cứ thả con giống là chờ ngày thu hoạch. Nhưng giờ chuyển sang nuôi thâm canh 1 năm 2-3 vụ nuôi, mật độ nuôi cũng dày hơn, nguồn nước cũng ngày càng ô nhiễm khiến cho dịch bệnh xuất hiện trên con tôm rất nhiều. Không ít vụ nuôi, nông dân trắng tay vì tôm chết hàng loạt do dịch bệnh.

Cùng nỗi lo, ông Trương Văn Thần, nông dân nuôi tôm ở xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) chia sẻ, trước đây, có nhiều hộ dân thấy nuôi tôm cho lợi nhuận cao nên đua nhau đổ vốn làm ao tôm. Nhiều hộ đạt lợi nhuận tốt nhưng cũng không ít trường hợp bị con tôm “ăn” mất nhà, mất đất. Nguyên nhân là do càng về sau, nguồn nước càng ô nhiễm, những nông dân mới nuôi thiếu kinh nghiệm, dịch bệnh trên con tôm xuất hiện nhiều khiến không ít người chạy theo phong trào làm ao tôm phải trắng tay.

Cần ứng dụng công nghệ

Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, các địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm thâm canh trong nhà lưới theo quy trình CPF (ao nuôi được lót đáy bạt và phủ lưới). Đây là công nghệ mới trong nuôi tôm, đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu chọn con giống sạch, chất lượng đến tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại. Đặc biệt, ao nuôi được thiết kế để các chất thải, chất bẩn tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi vệ sinh hằng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi nên hạn chế được rủi ro dịch bệnh cho con tôm.

2 năm trước, gia đình ông Huỳnh Văn Ba, nông dân nuôi tôm tại xã Phú Hữu chuyển từ nuôi ao đất theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ mới lót vải bạt, phủ lưới cho ao nuôi. Theo ông Ba: “Tôi buộc phải tốn tiền đầu tư đưa công nghệ mới trong nuôi tôm vì nuôi theo cánh cũ hầu như không có lợi nhuận, có vụ trắng tay vì rủi ro dịch bệnh quá lớn”.

Với công nghệ mới, người nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học từ việc xử lý nguồn nước đầu vào; vệ sinh ao nuôi thường xuyên và chọn lọc con giống tốt... nên kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh, năng suất, chất lượng con tôm nuôi cũng đạt hơn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trường Đại, nông dân đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) so sánh: “Nuôi tôm ứng dụng công nghệ lót vải bạt, phủ lưới cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống trong ao đất vì năng suất mỗi vụ thu hoạch đạt cao gấp 3-4 lần so với cách nuôi cũ. Mỗi năm, người nuôi có thể nuôi từ 3-4 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn nên mô hình này có thể cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm”.

Bình Nguyên Báo Đồng Nai