Khô hạn, xâm nhập mặn: Lúa, tôm cùng thiệt hại
Những ngày qua, khô hạn và xâm nhập mặn khiến cho sản xuất nông nghiệp của Kiên Giang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt lúa bị nhiễm mặn, tôm chết hàng loạt…
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đến nay biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng gần 2.000ha diện tích thả tôm của toàn tỉnh và trên 12.000ha diện tích trồng lúa. Trong đó, những địa phương nằm ven biển, được xem là ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Kiên Lương, đây là khu vực thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên nên việc nhiễm mặn và phèn diễn ra thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài khiến cho độ mặn của nước biển tăng cao có lúc độ mặn đo được là 35/oo vì vậy khi xâm nhập vào nội đồng, người dân không dám bơm nước để cứu tôm vì vậy nhiều hộ nuôi tôm trở tay không kịp dẫn tới trắng tay. Thống kê của Phòng kinh tế huyện Kiên Lương, từ đầu năm đến nay số tôm thiệt hại của huyện đến nay trên 80ha (trong đó tôm công nghiệp là 70ha, tôm quảng canh cải tiến hơn 10ha).
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bình (ấp Sông Chinh, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương) là người chịu thiệt hại nặng nề vừa qua. Theo anh Bình: Vụ tôm vừa qua với gần 5ha tôm bị giảm năng xuất và chết nhiều thiệt hại hàng trăm triệu đồng, khiến cho kinh tế gia đình gặp khó khăn. Hiện, anh đang phải treo vuông vì không còn vốn để sản xuất.
Còn theo anh Hứa Hoàng Du, cũng ở xã Bình Trị, đợt xuống giống tôm ngay sau Tết Nguyên đán gia đình anh đã bị mất trắng, thiệt hại cũng cả trăm triệu đồng. Vì vậy vụ tôm mới này gia đình anh không dám vội vàng xuống giống vụ mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Thắng - Phó Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết: Ngoài thiệt hại về diện tích nuôi tôm, các mô hình tôm lúa cũng bị thiệt hại nặng nề do thời tiết không thuận lợi. Chính vì vậy, thời gian qua chúng tôi đang triển khai một số biện pháp mang tính căn cơ để hạn chế những thiệt hại cho bà con trong sản xuất nuôi trồng. Hướng dẫn các hộ dân thực hiện một số giải pháp hạn chế thiệt hại trong nuôi tôm. Chủ yếu là quản lý giống đầu vào, đặc biệt là xử lý nguồn nước. Đối với những diện tích bị nhiễm mặn có nồng độ cao vượt mức cho phép thì phải có hệ thống nước để xử lý pha loãng, để làm giảm nồng độ muối, thông qua hệ thống kênh rạch thích hợp cho việc nuôi tôm.
Với chỉ tiêu nuôi hơn 1.000ha tôm công nghiệp và 2.500 ha tôm quảng canh cải tiến trong năm 2015 này. Đến nay huyện Kiên Lương đã hoàn tất việc xuống giống đối với diện tích tôm quảng canh cải tiến và hơn 80% diện tích tôm công nghiệp.