Khó khăn dồn dập: Cá, tôm không còn được ưu đãi
Chưa kịp phục hồi vì tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam lại bất ngờ không còn được nhận ưu đãi dành cho nước đang phát triển ở ngay trên đất Mỹ, một trong những đối tác nhập khẩu thủy sản chủ lực.
Dồn dập thách thức
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 1.2020 ước đạt 556 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 75 triệu USD, giảm tới 64%, xuất khẩu các mặt hàng hải sản cũng giảm 22%.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Nhật đã giảm 20%, Mỹ cũng giảm mạnh 36%. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) ghi nhận mức giảm tới 45%, chỉ còn 51,5 triệu USD. Điểm sáng duy nhất ở hoạt động xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn này là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 127 triệu USD.
Việc sụt giảm doanh thu của ngành, ngoài nguyên nhân từ virus gây viêm phổi cấp còn đến từ yếu tố cạnh tranh gay gắt về giá và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn ở các thị trường khó tính. Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhìn nhận, với thị trường Mỹ, sự siết chặt từ chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản cũng như việc áp đặt mức thuế chống bán phá giá khá cao đã giảm rất nhiều cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, kể cả đối với những doanh nghiệp lớn.
Thách thức vẫn chưa dừng lại, khi ngày 10/2/2020, đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã cập nhật danh sách riêng của Mỹ về các nước đang phát triển. Việt Nam bỗng nhiên được xếp ngang hàng với Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển và tất nhiên sẽ không còn được nhận nhiều ưu đãi trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo quy định của WTO, các chính phủ được yêu cầu chấm dứt điều tra thuế đối kháng nếu số tiền trợ cấp nước ngoài ở mức tối thiểu, thường là dưới 1% giá trị. Riêng với các nước đang phát triển, WTO nới lỏng tiêu chuẩn hơn, theo đó yêu cầu các chính phủ chấm dứt điều tra thuế nếu số tiền trợ cấp dưới 2% giá trị. Như vậy, nếu bị đưa ra khỏi danh sách quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra thuế quan trong trường hợp số tiền trợ cấp ít nhất 1% giá trị hàng hóa.
“Động thái này của Mỹ trên lý thuyết là muốn sự công bằng và hỗ trợ đúng đối tượng hơn cho các nước thật sự kém phát triển. Nhưng sâu bên trong, mục tiêu chính của Mỹ vẫn là Trung Quốc”, Giáo sư Khương Hữu Lộc, giảng viên Trường Keller Graduate School of Management, nhận định.
Tính tới hết tháng 11.2019, Việt Nam nằm trong nhóm 10 đối tác có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 68,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu trên 32 tỉ USD. “Đây không phải là tin mới vì nhiều năm nay hiện tượng này đã xảy ra. Tuy nhiên, tăng trưởng nhập khẩu vào Mỹ của 9 nước còn lại đều giảm so với năm 2018, duy nhất Việt Nam tăng chưa chắc là việc đáng mừng”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, chia sẻ.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, một số mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến về xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Mỹ đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể không nghi ngờ. Thêm vào đó, gần đây, một số công ty nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ đã vi phạm về xuất xứ hàng hóa và ghi nhãn mác bao bì là Made in Vietnam nhằm trốn thuế. Đáp trả những chiêu trò đó, Mỹ đã nâng hạng Việt Nam trở thành nước phát triển để ngăn chặn trục lợi xuất khẩu.
Nhìn về cơ hội dài hạn
Không còn nhiều ưu đãi trên các thị trường chủ lực, thủy sản Việt Nam bắt buộc phải tái cơ cấu ngành, tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn.
Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết, thủy sản Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi khá lớn khi đạt được những cam kết về cắt giảm thuế suất sâu nhất từ trước đến nay, kể cả các ngành lâu nay các đối tác có phần e dè như lâm sản và thủy sản.
Theo VCCI, trong thỏa thuận CPTPP, các đối tác đã cam kết xóa bỏ ngay hoặc xóa bỏ trong vòng 2-3 năm đối với hầu hết sản phẩm thủy sản sơ chế của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua và nhuyễn thể. Các sản phẩm thủy sản chế biến cũng được xóa bỏ thuế theo lộ trình 5-10 năm. Đáng chú ý, Canada đã xóa bỏ 100% các dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, Mexico cam kết xóa bỏ thuế đối với cá tra Việt Nam sau 2 năm, sau 3-5 năm xóa bỏ 60% số dòng thuế.
Còn với EVFTA, cơ hội cho Việt Nam là cực kỳ lớn bởi cùng lúc được tiếp cận thị trường với 28 quốc gia chưa từng có hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, 50% số dòng thuế của thủy sản sơ chế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số còn lại cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm; thực phẩm từ thủy sản cũng được xóa bỏ thuế sau 6-8 năm.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, cho rằng, cả CPTPP và EVFTA đều hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Không chỉ tạo lợi thế xuất khẩu, các FTA này còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu nhằm thúc đẩy hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Thách thức hiện nay cần doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đáp ứng, không chỉ để tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc.