TIN THỦY SẢN

Không để thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp!

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát kết luận buổi họp

“Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Cục Thú y phải hết sức lưu ý, không vì thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng không cần thiết để DN thủy sản phải chờ đợi, làm tăng chi phí lưu kho, lưu bãi... Bất cứ cán bộ nào có biểu hiện lạm dụng quyền hạn gây nhũng nhiễu khi thi hành công vụ sẽ bị nghiêm trị”!

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo VASEP và lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ chiều ngày 24/8/2012 tại Hà Nội. Trong suốt buổi làm việc, ông đã chăm chú lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng DN VASEP để chỉ đạo những biện pháp tháo gỡ nhằm giúp DN chế biến XK thủy sản vượt qua khó khăn trong hai quý nước rút của năm nay.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe đã báo cáo Bộ trưởng về 9 khó khăn và kiến nghị lớn của các DN thủy sản trong thời gian này cần sớm được tháo gỡ, trước hết là đề xuất sớm điều chỉnh Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT ngày 3/8/2011 của Bộ NN và PTNT quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng thực phẩm thủy sản (TT55) theo hướng kiểm soát điều kiện sản xuất là điều kiện chính để XK thủy sản và không áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc đối với các lô hàng làm điều kiện để cấp Chứng thư (H/C) XK - giống như quy định của Thái Lan về vấn đề kiểm tra và cấp chứng thư ATTP. Hiệp hội kiến nghị Bộ nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cho phù hợp với Luật ATTP để tăng sức cạnh tranh của DN trong quá trình hội nhập, đồng thời giảm phát sinh chi phí cho DN.

Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, năm nay XK thủy sản gặp khó khăn ngay từ điểm xuất phát nhưng một số thủ tục hành chính đã và đang vô tình làm giảm sức cạnh tranh của DN. Trong khi điều kiện sản xuất đã quá ngặt nghèo thì cơ quan kiểm soát ATVSTP cũng cần cân nhắc để không gây thêm khó khăn cho DN. Đã nhiều lần, VASEP kiến nghị với Bộ NN và PTNT về việc thay đổi cách tiếp cận kiểm soát ATTP cho phù hợp, giảm chi phí cho DN nhưng kết quả chưa thấy rõ.

Với Thái Lan, trên cơ sở kiểm soát điều kiện sản xuất, Cơ quan thẩm quyền tiến hành phân loại DN và kiểm tra theo thời gian. Với DN loại 1, cứ 3 tháng lấy mẫu 1 lần; với DN loại 2, cứ 2 tháng lấy mẫu 1 lần... Còn với quy định tại TT55, tần suất kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm được xác định theo từng cơ sở sản xuất độc lập theo thị trường XK và nhóm sản phẩm tương tự có cùng độ rủi ro về ATTP như: lấy mẫu 1/5 số lô hàng với DN loại A; 1/3 số lô hàng với DN loại B và từng lô hàng với DN loại C thuộc nhóm sản phẩm rủi ro thấp. Hơn nữa, với Thái Lan, việc lấy mẫu là công việc của nhà nước, họ chỉ kiểm soát chặt điều kiện sản xuất của DN, còn tại Việt Nam, cùng với việc kiểm soát điều kiện sản xuất chặt chẽ không kém so với Thái Lan, các DN thủy sản Việt Nam còn đang bị “chồng” thêm phí lấy mẫu và kiểm nghiệm cho những lô hàng XK.

Tính đến hết tháng 7/2012, XK tôm chỉ tăng 2,5%, XK cá tra chỉ tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay nhiều DN XK cá tra, tôm đang sản xuất cầm chừng, nhiều DN thua lỗ, và chưa năm nào giá tôm XK của Việt Nam cao hơn giá của các nước khác tới 5 USD/kg! Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng DN VASEP vẫn cố gắng tìm mọi cách để duy trì XK nhằm giữ khách hàng, tạo công ăn việc làm cho công nhân, duy trì việc gia tăng kim ngạch XK. Các DN hải sản đã nỗ lực hết sức để bù đắp cho kim ngạch XK bị thiếu hụt do những khó khăn của 2 mặt hàng thủy sản XK chủ lực là cá tra và tôm. Bảy tháng đầu năm nay, XK cá ngừ đã tăng gần gấp đôi, cá biển tăng gần 30%, nhuyễn thể cũng tăng gần 10%, cua ghẹ và giáp xác khác cũng tăng 14,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

VASEP hứa với Bộ trưởng sẽ quyết tâm bằng mọi cách giữ lực lượng công nhân, gia tăng kim ngạch XK để đạt kế hoạch 6,5 tỷ USD trong năm 2012. Nhưng hiện nay, ngoài phí kiểm soát lô hàng XK thì phí kiểm dịch lô hàng thủy sản NK cũng đang đè lên vai DN. Do đó, DN thủy sản tha thiết mong mỏi Bộ NN và PTNT sớm xem xét sửa đổi một số quy định về kiểm tra ATTP, kiểm dịch!

Từ thực tiễn sản xuất của DN, ủy viên Ban Chấp hành VASEP, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản CAFATEX (CAFATEX Corp) Nguyễn Văn Kịch cho biết, chi phí kiểm nghiệm và chi phí phát sinh chờ đợi kết quả của CAFATEX Corp có năm lên tới 8 - 10 tỷ đồng, trung bình hàng năm  khoảng 5-6 tỷ đồng. Đây là con số lớn mà DN các nước khác không phải gánh. Vấn đề chính không chỉ ở chi phí kiểm nghiệm mà các thủ tục phát sinh thêm chi phí cho DN như phí lưu kho, phí lưu bãi... đã đội tổng chi phí lên 2-3 lần so với chi phí kiểm nghiệm.

Vậy, nên chăng Bộ thay đổi cách kiểm soát ATVSTP bằng cách không chỉ kiểm tra chặt các lô hàng XK mà còn kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu nguồn nguyên liệu, các cơ sở thu mua, sơ chế. DN đề nghị Bộ xem xét quy trình kiểm soát từ gốc là khâu nuôi trồng, sản phẩm sau thu hoạch phải tương đối an toàn trước khi tới nhà máy chế biến. Nếu chỉ kiểm soát thành phẩm của nhà máy thì không những DN phải thêm chi phí cho kiểm soát của nhà nước và chi phí tự kiểm mà còn không có hiệu quả!

Đồng ý với quan điểm của ông Kịch, Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp cho rằng, chi phí kiểm nghiệm chỉ là một khoản, còn chi phí phát sinh do thời gian chờ đợi mới là chi phí mà DN quan tâm hơn cả. Cho đến nay TT55 là văn bản đã khá hoàn thiện, hài hòa so với những quy định trước đó về quản lý ATTP.

Thay đổi thông tư này là một vấn đề lớn, căn cơ, do đó không thể vội vàng sửa đổi mà cần thêm thời gian nghiên cứu, xem xét và học tập kinh nghiệm từ các nước khác.

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương của Bộ không phải là tăng thu phí của DN, thậm chí ngược lại. Mục tiêu của Bộ là vừa làm sao quản lý tốt vấn đề ATVSTP mà vẫn tạo hành lang thuận lợi cho DN làm ăn chân chính tiến lên. Bộ trưởng hoan ngênh VASEP đã nghiên cứu phương thức tiếp cận việc kiểm soát ATTP của Thái Lan để đề xuất với Bộ những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong số 5 nước XK thủy sản lớn nhất thế giới. Do đó, việc kiểm soát ATTP về cơ bản phải theo thông lệ quốc tế, tuân thủ cam kết của WTO, hài hòa với DN trong nước và nước ngoài, đồng thời phải học hỏi kinh nghiệm tốt nhất của các nước để đảm bảo độ tin cậy cho hàng hóa thủy sản của Việt Nam trên thế giới. Ông đề nghị NAFIQAD tiếp thu kiến nghị của DN và là cơ quan trực tiếp nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện việc này trong tháng 9/2012.

Về quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BTC (TT04) quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y có hiệu lực từ tháng 3/2012 đã kéo mức phí kiểm dịch tăng quá cao lên trên 300% so với quy định cũ, Bộ trưởng giao Cục Thú y kiểm tra lại mức phí kiểm dịch lô hàng thủy sản NK và đề xuất điều chỉnh mức thu theo công việc nhằm giảm chi phí cho DN theo cách phân loại DN, hàng hóa, nguồn gốc hàng hóa để có cách ứng xử phù hợp.

Trong tháng 9/2012, NAFIQAD phải hoàn thành việc rà soát và hoàn chỉnh Danh mục tên khoa học các loài thủy sản. Sau khi có danh mục này, trong tháng 10/2012, Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan hoàn thiện mã HS chuẩn, tránh thiệt hại cho DN khi lô hàng bị trả về, bị hủy hoặc thậm chí bị phạt nặng vì bị quy về gian dối thương mại.

Vasep.com.vn