TIN THỦY SẢN

Không phải xuất trình văn bản xác nhận dùng mã số mã vạch nước ngoài

Công văn mới cơ bản tháo gỡ được các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tạ Hà

Ngày 9/6/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 3776/TCHQ-GSQL (CV 3776) về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu.

Công văn này của Tổng cục Hải quan đã cơ bản tháo gỡ được các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đây là vấn đề lớn gây vướng mắc nhất cho các doanh nghiệp hội viên của VASEP trong nhiều tháng đầu năm nay và Hiệp hội cũng đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp và bằng văn bản với Công văn số 34/2020/CV-VASEP ngày 31/3/2020 và Công văn số 46/2020/CV-VASEP ngày 22/4/2020.

Tại CV 3776, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện thống nhất khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu.

Vệc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài, bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng bao gồm một trong các hình thức sau: văn bản ủy quyền, thư ủy quyền hoặc hợp đồng gia công hoặc thư điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên và đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước phép luật với các tài liệu cung cấp.

Cơ quan hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn ĐLCL biết để xử lý theo quy định.

Từ đầu năm 2020, VASEP đã nhiều lần nhận được phản ánh của doanh nghiệp thủy sản hội viên về việc Hải quan các cửa khẩu yêu cầu các lô hàng xuất khẩu đều phải có Giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về mã số, mã vạch cho các trường hợp cụ thể khi đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài theo khoản 2, Điều 19b của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Quy định này đã làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.  Doanh nghiệp đang phải trả phí 500.000 đ/lần đăng ký (đối với Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm) hoặc 10.000 đ/sản phẩm (đối với Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm). Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các doanh nghiệp phải chi trả cho việc ghi mã số, mã vạch trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là một con số không nhỏ.

Ngày 31/3/2020, VASEP tiếp tục gửi Công văn số 34/2020/CV-VASEP (CV34) tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định mã số mã vạch trên bao bì hàng xuất khẩu. Trong đó có đề nghị Tổng cục Đo lường Chất lượng, trên cơ sở rà soát văn bản pháp lý hiện hành có ngay văn bản gửi Tổng cục Hải quan, theo đó để doanh nghiệp được tự chịu trách nhiệm trong sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài in trên bao bì sản phẩm dùng để xuất khẩu và sẽ lưu trữ văn bản ủy quyền của nhà nhập khẩu để xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan kiểm tra/thanh tra có liên quan. Các cơ quan Hải quan không cần kiểm tra Giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về mã số, mã vạch cho các trường hợp đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để tạo điều kiện thông quan nhanh cho các lô hàng xuất khẩu.

Ngày 10/4/2020, tiếp tục có nhiều ý kiến, phản ánh bức xúc của doanh nghiệp hội viên, VASEP đã liên hệ trực tiếp với đại diện của Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), Tổng cục Hải quan đã có CV2324 tới cơ quan Hải quan các địa phương nhanh chóng tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn về thủ tục này cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngay khi nhận được thông tin này, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã bày tỏ sự vui mừng và nói cảm ơn tới Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) về những phản ứng linh hoạt này. 

Chưa đầy một tuần vui mừng vì được trút bỏ một gánh nặng cho các lô hàng xuất khẩu tại mùa cao điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 khi Tổng cục Hải quan ra văn bản thống nhất với các Chi cục Hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài thì các doanh nghiệp lại lo lắng “thở dài” vì một công văn khác từ Tổng cục Hải quan áp dụng trở lại yêu cầu này.

Ngày 22/4/2020, VASEP tiếp tục gửi Công văn số 46/2020/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu tại NĐ 74/2018.

Chiều ngày 20/5/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp cuộc họp giữa đại diện Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan, Tổ tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... để giải quyết, tháo gỡ vấn đề này. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ đạo trong năm 2020 sẽ sửa quy định về sử dụng mã số mã vạch nước ngoài. Trước mắt trong vòng 10 ngày sau cuộc họp này, khi chưa sửa NĐ 74/2018, Bộ KH&CN sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính theo tinh thần sẽ không kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp đối với quy định này; chấp nhận nhiều hình thức “ủy quyền” của chủ hàng nước ngoài (như: hợp đồng, email, tin nhắn, thoả thuận....) nhằm chứng minh có sự giao kèo về bao bì gồm cả mã số mã vạch trong đó.

Tạ Hà VASEP