Kiểm dịch tôm giống còn nhiều bất cập
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước với trên 278.642 ha. Theo đó, nhu cầu con giống thả nuôi mỗi năm từ 17-19 tỷ con, song công tác quản lý con giống từ khâu sản xuất, lưu hành cho đến thả nuôi còn quá nhiều lỗ hổng. Ước tính trên 32% con giống cung ứng cho thị trường, tương đương 5,6 tỷ con, không qua kiểm dịch.
“Đó là nguyên nhân chính làm cho tôm nuôi bị bệnh, chết hàng loạt kéo dài trong nhiều năm qua. Bởi tôm giống quyết định đến 50% sự thành bại của nghề nuôi tôm”, Chủ tịch Hội Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Trần Văn Của nhận định.
Người nuôi tôm có thể dùng biện pháp cảm quan để chọn lựa con giống tốt để thả nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết, Thông tư 26/2016/TT-BNN&PTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản, bỏ qua công tác kiểm dịch giống thuỷ sản sản xuất và lưu thông trong tỉnh. Trong khi đó, các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh sản xuất con giống chủ yếu cung cấp cho các hộ nuôi trong tỉnh, xuất tỉnh rất ít. Vì vậy, nếu không quản lý kiểm dịch tôm giống trong tỉnh sẽ tạo ra nhiều kẽ hở cho tôm giống thiếu chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường.
"Kết quả công tác thu gom 89 mẫu giám sát dịch bệnh bị động đối với tôm nuôi trên địa bàn tỉnh có đến 48 mẫu mắc bệnh đốm trắng, 18 mẫu bệnh hoại tử gan tuỵ cấp. Tỷ lệ tôm mang mầm bệnh đốm trắng và gan tuỵ cấp chiếm trên 70%, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn", ông Nguyễn Thành Huy lo lắng.
Để quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống sản xuất và lưu thông trong tỉnh, ông Nguyễn Thành Huy kiến nghị UBND tỉnh sớm rà soát bổ sung Quyết định 28/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản trên địa bàn theo hướng quản lý chặt chẽ chất lượng đối với tôm giống sản xuất và lưu thông trong tỉnh mà Luật Thú y và Thông tư 26/2016/ TT-BNN&PTNT không quy định. Đồng thời, đầu tư xây dựng trạm kiểm dịch đầu mối trên tuyến đường Xuyên Á giáp với tỉnh Kiên Giang để thuận lợi trong công tác kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh. Bởi hầu hết lượng tôm giống nhập tỉnh gần 10 tỷ con/năm chủ yếu bằng đường bộ, trong khi đó, tỉnh mới có 1 trạm kiểm dịch tôm giống trên Quốc lộ 1, tại ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng khuyến cáo, người nuôi tôm có thể sử dụng các biện pháp đánh giá cảm quan để chọn tôm giống chất lượng. Cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khoẻ ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt. Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bệnh phát sáng. Ngoài ra, khi thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khoẻ thường bơi ngược dòng nước hoặc bám chung quanh thành thau, tôm yếu tụ lại ở giữa.
Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, trại giống tập trung tại huyện Ngọc Hiển đang hoàn thành giai đoạn 1 với trên 50 ha, tương đương 100 trại sản xuất, cung ứng khoảng 7 tỷ con giống/năm và đang triển khai giai đoạn 2. Khi đề án đã được xây dựng hoàn thành công tác quản lý chất lượng con giống chất lượng sẽ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tôm giống thả nuôi của bà con.
Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có khoảng 550 doanh nghiệp và 220 cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống đang hoạt động. Năm 2016 sản xuất hơn 3,7 tỷ post, đáp ứng gần 40% nhu cầu con giống thả nuôi của nông dân. Tôm giống nhập tỉnh qua kiểm dịch trên 8,6 tỷ post. Số còn lại gần 6 tỷ post sản xuất trong tỉnh và nhập tỉnh không được kiểm dịch.