TIN THỦY SẢN

Kiểm soát diện tích và sản lượng cá tra: Liệu có khả thi?

Tháo gỡ khó khăn bằng quy hoạch kiểm soát vùng nuôi và sản lượng có khả thi? Đ.V.

Một qui hoạch tổng thể toàn vùng về nuôi cá tra nhằm kiểm soát sản lượng và diện tích nuôi sẽ là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng mất cân đối cung-cầu trong ngành cá tra. Nhưng việc đưa qui hoạch đó vào thực tiễn có khả thi không?

Mâu thuẫn

Trong những năm qua, ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra của Việt Nam phát triển nhanh nhưng thiếu quản lý, dẫn đến tình trạng hay mất cân đối cung-cầu, giá bán trên thị trường luôn biến động, khiến cả nông dân và nhà chế biến lâm vào tình cảnh khó khăn, hàng loạt DN phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đổ vỡ, nhiều người nuôi phải treo ao. Do đó, xây dựng một giải pháp tháo gỡ khó khăn tập trung vào rà soát qui hoạch, kiểm soát diện tích và sản lượng nuôi là điều hết sức cấp thiết.

Năm 2012, theo cân đối chung của ngành cá tra, sản lượng cá tra nguyên liệu cần để duy trì tình trạng ổn định của thị trường là từ 0,8 đến 1,0 triệu tấn. Trên thực tế, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL trong năm là 6.000 ha và sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, dẫn tới dư thừa cá tra nguyên liệu. Các chuyên gia trong ngành đều khuyến cáo cần phải kiểm soát chặt chẽ diện tích nuôi và sản lượng cá thu hoạch. Cơ quản lý ngành tại nhiều tỉnh thành trong khu vực cũng nhận thấy sự cấp thiết phải xây dựng qui hoạch để kiểm soát tình trạng sản xuất cá tra, đặc biệt cần có kế hoạch giảm cả diện tích lẫn sản lượng nuôi để chấm dứt tình trạng khủng hoảng thừa cá tra nguyên liệu hiện nay. Nhưng khi thực hiện lại xuất hiện nghịch lý, kế hoạch diện tích và sản lượng nuôi cá tra của nhiều địa phương chỉ có tăng lên chứ không hề giảm.

Chẳng hạn, theo Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá da trơn đã được phê duyệt của tỉnh Hậu Giang, một tỉnh không quá nóng về phát triển cá tra, đến năm 2015, tổng diện tích nuôi cá da trơn toàn tỉnh là 750 ha, trong đó nuôi cá tra 700 ha; đến năm 2020, tổng diện tích sẽ là 1.090 ha, trong đó 1.000 ha dành để nuôi cá tra. Tổng sản lượng cá nuôi sẽ là 152.700 tấn, trong đó cá tra chiếm hơn 98%.

Tương tự, qui hoạch của tỉnh Trà Vinh cũng xác định, năm 2010 diện tích nuôi cá da trơn trong tỉnh là 1.150 ha, tăng lên 1.800 ha vào năm 2015 và tiếp tục mở rộng đến 2.456 ha vào năm 2020 (gấp 2,1 lần so với năm 2010). Tốc độ tăng trưởng bình quân 29%/năm giai đoạn 2007-2015 và 6,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Năm 2010 sản lượng nuôi cá da trơn trong tỉnh là 65.165 tấn, tăng lên 108.000 tấn vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên 155.549 tấn đến năm 2020 (gấp 2,4 lần so với năm 2010). Tốc độ tăng trưởng bình quân là 32%/năm giai đoạn 2007 - 2015 và 7,6%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ, nguyên nhân chính của tình trạng này là do sức ép tăng trưởng GDP. Sản xuất lúa gạo và thủy sản là hai lĩnh vực thế mạnh có tính quyết định đối với GDP của nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu sản lượng lúa gạo, thủy sản không tăng lên, thậm chí giảm đi, thì GDP ở các tỉnh, thành phố này không những không tăng, mà còn suy giảm. Đây là điều các nhà quản lý địa phương hoàn toàn không mong muốn. Ngay cả Bộ NN&PTNT cũng phải rất đau đầu với bài toán qui hoạch ấy.

TS Dũng tỏ ra hoài nghi: “Cho dù Bộ có đưa ra một qui hoạch hoàn chỉnh, tổng thể thì vấn đề cũng chưa hẳn đã được giải quyết, khó khăn nằm ở chính các địa phương”.

Chưa đủ cơ sở, chế tài để quản lý người nuôi

Sức hấp dẫn của cá tra thực sự là là quá lớn. Người ta đã gọi đùa người nuôi cá như dân “nghiện”, còn tiền thì còn lao vào nuôi, hết tiền mới thôi. Bởi với công nghệ nuôi ngày càng được cải thiện, cá tra đã trở thành có độ nhạy với biến động thị trường cao hơn rất nhiều so với những sản phẩm khác. Chỉ cần giá cá có xu hướng tăng lên là người nuôi đổ xô vào nuôi và chỉ sau 6 tháng, lượng cá nguyên liệu đă tăng lên khủng khiếp. Chính điều này lại gây áp lực rất lớn lên thị trường và nhà máy chế biến. Trong khi đó, cơ sở pháp lý và chế tài để quản lý nười nuôi không thật sự rõ ràng và đủ mạnh là nguy cơ phá vỡ qui hoạch trong tương lai.

Ông Võ Hùng Dũng cho rằng: “Cho dù lúc đầu có kiểm soát được sản lượng, chỉ cần giá XK tăng, giá cá nguyên liệu sẽ tăng theo. Với tính chất “tự do” của người nông dân, họ lại bị kích thích để đổ xô vào nuôi cá, khởi đầu cho một chu kỳ khủng hoảng thừa mới. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà ngành công nghiệp cá tra Việt Nam mắc phải từ nhiều năm qua”.

Để kiểm soát được diện tích và sản lượng, dự thảo Nghị định cá tra (phiên bản mới nhất) đã nêu: “Trước khi thả nuôi, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký diện tích nuôi, thời gian nuôi và sản lượng nuôi với Hiệp hội Cá tra Việt Nam”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại tỏ ra băn khoăn trong việc kiểm soát sản lượng khi Việt Nam chưa có chế tài rõ ràng nếu người nuôi “xé rào” nuôi vượt quy hoạch.

Xử lí việc vi phạm qui hoạch đã khó khăn, thì việc xử lí đối với những hộ nuôi trong vùng qui hoạch đã có càng khó hơn gấp bội phần. Qui hoạch diện tích và sản lượng nuôi cá tra đã được lập ra trong thời điểm ngành cá tra đang “ăn nên làm ra”, cùng với đó là khí thế lạc quan về một tương lai tươi sáng, phát triển không ngừng của ngành. Đến nay, khi phải khống chế, giảm diện tích và sản lượng thì cơ sở nào để không cho nông dân nuôi trong vùng đã qui hoạch khi họ đến đăng ký nuôi? Đó là chưa nói đến việc, liệu Hiệp hội Cá tra đã có đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để xử lý những vi phạm trong hoạt động nuôi cá tra?

Dự báo sản lượng cá tra năm 2013 cần duy trì trong khoảng 800.000-900.000 tấn, kim ngạch XK dừng lại ở mức hơn 1,5 tỷ USD, giảm so với 1,74 tỷ USD của năm 2012. Với tình trạng quản lý việc thực hiện qui hoạch như hiện nay, duy trì những con số này hoàn toàn không dễ.

Song, đây là việc phải cố gắng tìm cách thực hiện, để cải thiện tình trạng cân đối cung-cầu phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ, cải thiện hình ảnh và trả lại giá trị đích thực cho cá tra, nâng cao giá bán để sản phẩm cá tra thực sự mang lại lợi nhuận cho cả người nuôi và người chế biến XK.

Đ.V. Vietfish