TIN THỦY SẢN

Kiên Giang: Hiệu quả bước đầu triển khai “Chương trình phát triển thủy đặc sản nước ngọt”

Kiểm tra mô hình nuôi cá trê vàng Trọng Thân

Nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế (cá trê vàng, cá chạch bùn,…), năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai 24 điểm với 5 dạng mô hình thủy sản nước ngọt.

Nhìn chung, đa số các mô hình đều đạt được mục tiêu đề ra, giúp nông dân nắm bắt các quy trình kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, tạo ra sản phẩm đa dạng và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Mô hình chuyển giao kỹ thuật sinh sản cá trê vàng, triển khai 1 điểm tại xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành với quy mô 50 kg cá bố mẹ. Kết quả đã sản xuất được 900.000 cá bột, sau 2 tháng ương đã thu được 380kg cá giống (200 con/kg), tỷ lệ sống đạt 80,44%. Lợi nhuận thu được 10.298.000 đồng. Giá thành sản xuất 143.000 đồng/kg cá giống. Đây là mô hình có tiềm năng phát triển kinh tế và nhân rộng.

Mô hình nuôi cá lóc trong vèo bằng thức ăn công nghiệp, triển khai 04 điểm tại 2 huyện Châu Thành và Giồng Riềng với quy mô 20 m3/điểm. Kết quả sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 75%, trọng lượng bình quân 600 g/con, hệ số chuyển hóa thức ăn 1,3, sản lượng đạt 860 kg/điểm với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân lợi nhuận 6 - 10 triệu đồng/20 m3. Mô hình nuôi cá lóc trong vèo sử dụng thức ăn công nghiệp là bước đi mới, phù hợp với điều kiện hiện nay, giải quyết được vấn đề khan hiếm nguồn cá mồi (cá tạp), được nhiều nông dân hưởng ứng tích cực góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi cá thát lát trong vèo bằng thức ăn công nghiệp, triển khai 03 điểm tại 3 huyện Tân Hiệp, Gò Quao và TP.Rạch Giá với quy mô 30m3/điểm. Kết quả sau 5 tháng nuôi, trọng lượng bình quân đạt 300 g/con, tỷ lệ sống 75 - 80%, sản lượng đạt 450 kg/30 m3. Hệ số thức ăn 1,5, giá thành sản xuất 45.000 đồng/kg, với giá bán 60.000 đồng/kg, nông dân lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng/30 m3.

Mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao bằng thức ăn công nghiệp, triển khai 05 điểm tại 4 huyện: Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp và TP.Rạch Giá với qui mô 300 m2/điểm. Sau hơn 3 tháng nuôi cá đạt kích cỡ trung bình 30 con/kg, tỷ lệ sống 60 - 70%, sản lượng trung bình 350 kg, giá thành sản xuất 65.000 đồng/kg cá thương phẩm; hệ số thức ăn 1,5, giá bán 110.000 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình 17.655.000 đồng/300 m2. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật nuôi cá chạch bùn không khó, nuôi được mật độ cao, giá bán hấp dẫn là đối tượng tiềm năng để phát triển kinh tế nông hộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Mô hình nuôi cá trê vàng thương phẩm trong ao bằng thức ăn công nghiệp, triển khai 11 điểm tại 5 huyện: Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Tân Hiệp và TP.Rạch Giá với qui mô 300 m2/điểm. Kết quả sau 3,5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 150 g/con, tỷ lệ sống 72%, sản lượng trung bình  đạt 600 kg/300 m2. Giá thành sản xuất trung bình 40.000 đồng/kg, hệ số chuyển hóa thức ăn 1,4 với giá bán hiện nay 55.000 - 60.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu được là từ 9 - 12 triệu đồng/300 m2.

Trọng Thân Khuyến Nông Việt Nam, 14/01/2016