TIN THỦY SẢN

Kiên Giang: Thiếu nguyên liệu cá cơm, điêu đứng nước mắm Phú Quốc

Sản xuất nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là nghề truyền thống, hình thành và phát triển đến nay hơn 200 năm. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc chất lượng thơm ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nguyên liệu cá cơm.

Cá cơm lên… sân phơi

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) - gần 2 năm nay, các nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc luôn trong tình trạng thiếu cá cơm nguyên liệu trầm trọng.

Nếu như trước đây, sau khi đánh bắt, ngư dân chuyển cá cơm tươi hoặc ướp muối đưa về bán cho nhà thùng để sản xuất nước mắm tại đảo Phú Quốc, thì từ cuối 2012 đến nay họ bán cá ngay trên ngư trường.

Nhiều thương lái từ nơi khác đến tổ chức tàu dịch vụ bám theo ngư dân ra biển mua gom cá cơm, với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 - 3 lần so với giá nhà thùng mua.
Việc tranh mua áp đảo giá khá cao này nên sản lượng cá cơm đánh bắt được, hầu như ngư dân đều bán hết cho thương lái, vừa có lợi nhuận tăng thêm nhiều, vừa giảm tiêu hao nhiên liệu vận chuyển cá vào đảo, không tốn chi phí mua muối, nước đá, thời gian bám biển dài ngày và những lợi ích khác.

Tính toán chi phí của nhà thùng, cá cơm nguyên liệu đầu vào khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg cá tươi và 9.000 - 10.000 đồng/kg cá ướp muối thì sản xuất nước mắm mới có lãi. Trong khi đó, thương lái mua cao gấp 2 - 3 lần ngay trên biển nên nhà thùng gặp rất nhiều khó khăn, không thể cạnh tranh giá với họ được.

Bà Tịnh cho biết: “Tại Phú Quốc hiện có trên 10 cơ sở thu mua cá cơm luộc phơi khô. Cá loại I họ xuất khẩu, cá loại II, III tiêu thụ trong nước. Với cá cơm khô, trong khoảng thời gian 3 - 7 ngày chế biến thành phẩm, xuất bán thì thương lái thu hồi vốn và biết được lợi nhuận. Trong khi đó, sản xuất nước mắm mất thời gian 10 - 12 tháng mới cho sản phẩm và thu hồi vốn nên nhà thùng không thể cạnh tranh được giá mua cá cơm nguyên liệu với thương lái".

Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nước mắm Phú Quốc 40.000 - 50.000 tấn/năm, nhưng từ đầu năm đến nay các nhà thùng trên đảo Phú Quốc chỉ mua được khoảng 30% sản lượng này, số còn lại thương lái thu mua đưa lên sân phơi khô.

Phần lớn số lượng cá nguyên liệu nhà thùng mua được do thương lái loại ra, chất lượng kém, lẫn lộn nhiều cá tạp khác. Để duy trì nghề sản xuất nước mắm truyền thống, nhiều nhà thùng lớn tổ chức phương tiện thu mua cá cơm nguyên liệu trên biển, nhưng vẫn không cạnh tranh được giá với thương lái.

Nhà thùng… treo thùng

Do không cạnh tranh mua được nguyên liệu cá cơm, nên từ đầu năm đến nay có khoảng 60% số thùng của các nhà thùng nước mắm Phú Quốc bỏ thùng trống, treo thùng; 10 doanh nghiệp sản xuất nước mắm không trụ lại được buộc phải giải thể, bỏ nghề và hiện chỉ còn 80 cơ sở hoạt động cầm chừng.

Sở dĩ hiện nay các nhà thùng còn duy trì sản xuất là do cá muối họ mua những năm trước còn tồn lại và chỉ sản xuất nhỏ giọt bán lẻ cho khách du lịch chứ không quy mô như trước đây.

Ông Trần Mỹ Thuận - chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thịnh Phát, thị trấn Dương Đông - cho biết: “Gia đình tôi đã qua 3 đời làm nghề nước mắm theo cách cha truyền con nối. Bản thân tôi biết làm nghề này từ năm 15 tuổi đến nay hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như trong gần 2 năm qua. Nguy cơ buộc phải từ bỏ nghề sản xuất nước mắm đang hiện hữu trước mắt nếu tình trạng thiếu nguyên liệu không sớm khắc phục”. 

Bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Phú Quốc chỉ sản xuất bán ra thị trường hơn 7 triệu lít, giảm 60% so với năm 2012.

Theo các nhà thùng nước mắm, điều cần nhất hiện nay là Nhà nước cần có giải pháp can thiệp, kiểm soát và bảo vệ nguồn nguyên liệu cá cơm. Vì nghề này là nghề truyền thống đặc thù của địa phương, không như những ngành nghề khác, không nguyên liệu nào thay thế được ngoài cá cơm.

Tiếp đến, ngành ngân hàng cần gia hạn nợ vay, miễn giảm lãi suất cho các nhà thùng. Có như vậy, nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc mới trụ vững và không bị mất đi.

Báo Lao Động