TIN THỦY SẢN

Kiên Giang: Triển khai Chương trình nuôi tôm kết hợp năm 2022

Mô hình nuôi tôm được người dân hưởng ứng. Ảnh: vietnam.vnanet.vn Nguyễn Thị Hồng Điệp

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng (QLCĐ) thuộc Chương trình "Nuôi thủy sản kết hợp năm 2022” không chỉ tăng năng suất, sản lượng mà còn giảm chi phí, góp phần tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Đông Hưng B (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) là xã có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển về nuôi trồng thủy sản mặn lợ mà điển hình là mô hình nuôi tôm - lúa (tổng diện tích tôm - lúa là 5.305 ha). Thời gian qua, xã đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn của tỉnh và huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, từ đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho bà con nông hộ, ứng dụng giống mới có năng suất chất lượng, từng bước thực hiện cơ giới hóa trong bơm tát, thu hoạch, cùng với sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân xã, các ban ngành đoàn thể xã nên trong phát triển nông nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định, đem lại hiệu quả cho người dân.

Tuy nhiên, sản xuất chưa gắn kết và không chủ động được giá cả thị trường. Bên cạnh những nông hộ tiên tiến, sản xuất giỏi có thu nhập cao hàng năm thì vẫn còn không ít những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn sản xuất theo kinh nghiệm, tập quán, truyền thống, thiếu sự chọn lọc, tự phát chưa mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng tiến bộ KHKT, chi phí sản xuất chưa giảm thiểu. Vấn đề kiểm soát giống chất lượng cao và sử dụng phân bón theo hướng an toàn sinh học, giảm chi phí chưa được bà con nông dân tập trung quan tâm đúng mức.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay luôn chứa đựng nhiều rủi ro, từ phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, nhất là không chủ động về thị trường, do vậy  biện pháp trong sản xuất “không chỉ tăng năng suất, sản lượng mà còn phải giảm chi phí, góp phần tăng lợi nhuận cho người sản xuất” là rất cần thiết vì đây là yếu tố mà chúng ta có thể chủ động. Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng (QLCĐ) thuộc Chương trình "Nuôi thủy sản kết hợp năm 2022" cũng góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận đáng kể. Cốt lõi của mô hình này là tăng năng suất và giảm chi phí từ việc liên kết nông dân lại với nhau, là một hình thức nhằm phát huy tinh thần tập thể áp dụng một cách đồng bộ nhiều biện pháp, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, kế thừa và phát triển từ rất nhiều các mô hình trước đây từ việc áp dụng IPM, ba giảm ba tăng, sản xuất theo hướng giảm chi phí… là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình kinh tế tập thể, HTX, thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất và thu mua, nông dân tự nguyện tham gia, được tập huấn kỹ thuật canh tác, có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý chuyên môn.

Người dân đang thả tôm xuống ao. Ảnh: psmag.com  

Xuất phát từ những thực tế đó, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình "Nuôi thủy sản kết hợp năm 2022" phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Minh, Phòng Nông nghiệp & PTNT An Minh, Chính quyền, Đoàn thể xã Đông Hưng B cùng bà con nông dân tổ chức thực hiện trình diễn trong đó đầu tư ’’Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn luân canh trồng lúa quản lý cộng đồng (QLCĐ)’’ tại xã Đông Hưng B của huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả, tính ổn định trong thời gian tới.

Mô hình triển khai ưu tiên chọn những hộ dân là thành viên hợp tác xã hoặc tổ hợp tác theo tiêu chí và quy trình chọn hộ của Trung tâm Khuyến nông đưa ra. Vụ tôm: hỗ trợ 9.132.000 đồng (bao gồm 50% tiền tôm sú giống, bạt lót ao ương (50m2), máy thổi khí, thức ăn giai đoạn ương giống tôm sú. Vụ lúa: hỗ trợ 1.820.000 đồng (bao gồm 50% lúa giống và phân bón hữu cơ), các chi phí còn lại nông dân tự đầu tư. Đồng thời, phải áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú - lúa của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang.

Để chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất tôm nuôi năm 2022 thì cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân trong mô hình. Đồng thời đã cấp bạt lót ao ương và máy thổi khí hướng dẫn hộ dân thiết kế ao ương nuôi giai đoạn 1, cải tạo nước tốt chuẩn bị cho thả giống. Vào 26/06/2022 đã giao giống và cấp phát vật tư cho bà con nông dân bao gồm: tôm sú giống, thức ăn giai đoạn ương tôm sú.

Tại buổi cấp phát nông dân trong dự án cho biết: Bà con rất phấn khởi khi được tham gia thực hiện mô hình và chuẩn bị ao nuôi thật sẵn sàng cho vụ nuôi tôm năm 2022 thành công.

Nguyễn Thị Hồng Điệp Trung tâm Khuyến Nông Kiên Giang