TIN THỦY SẢN

Kiên Giang xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ

Đây là hiện tượng chưa từng có trong hơn 30 năm qua. Ảnh: vov.vn Hồng Huyền

Thủy triều đỏ vừa xảy ra ở xã Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là hiện tượng chưa từng xuất hiện trong hơn 30 năm qua.

Ngày 13-6, một lãnh đạo xã Thổ Châu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), xác nhận trên địa bàn xã đang xuất hiện hiện tượng nước biển chuyển màu đỏ. Cụ thể, trưa 12-6, tại khu vực bãi Mun (phía Tây Nam xã đảo Thổ Châu), người dân phát hiện có hiện tượng nước biển chuyển từ màu xanh sang màu đỏ. Ban đầu hiện tượng này xảy ra trên diện tích khoảng 200-300 m2, nhưng sau đó lan rộng hơn 1.000 m2. Theo người dân địa phương, đây là hiện tượng chưa từng có trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày tái lập xã đảo Thổ Châu đến nay. Cũng theo người dân địa phương, chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ, trên địa bàn đã ghi nhận một số loại cá nhỏ chết, xác trôi dạt lên bờ. 

Hiện tượng thủy triều đỏ (Red Tides), còn gọi là tảo nở hoa (Harmful Algal Blooms), xuất hiện khi lượng tảo sinh sản với số lượng lớn trong nước, dẫn đến làm mất màu vùng nước ven biển. Về hậu quả, tùy thuộc vào từng loại tảo khác nhau, hiện tượng thủy triều đỏ có thể sản sinh ra những độc tố nhiều hay ít. Từ đó, làm suy giảm oxi trong nước và có thể làm cho các loài sinh vật biển, các loài cá... chết hàng loạt. Hiện tượng thủy triều đỏ thường xảy ra trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm ở nhiều vùng biển của Việt Nam và thế giới. Trong môi trường thuận lợi, một số loại tảo độc trong nước biển sẽ phát triển nhanh và hình thành thủy triều đỏ.  

Một số loài tảo giáp gây ra hiện tượng thủy triều đỏ như loài Karenia brevis, Alexandrium FundyenseAlexandrium Catenella. Loài Karenia brevis thường tồn tại khoảng 1.000 tế bào/ lít. Mỗi tế bào dài khoảng 20 - 45 micromet. Cơ thể của nó có phần roi ở 2 bên, có tác dụng đẩy và di chuyển trong nước. Loài tảo biển này phát triển mạnh ở nơi có độ mặn cao. Nó cũng là tác nhân chính tiết ra độc tố mang tên: brevetoxins - có thể giết chết các loài cá, động vật sống trong nước.

Yếu tố khác như lượng bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn. Ảnh: nhandan.vn

Độc tố này hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người với việc gây ra kích thích mạnh ở các cơ quan hô hấp. Những người không may ăn phải các loài cá nhiễm độc brevetoxins có thể phải chịu đựng các triệu chứng như khó thở, nôn mửa, ho, hắt hơi, chảy nước mắt... Một số ngành tảo khác cũng gây hiện tượng tảo nở hoa, kể cả các giống loài tảo ở cửa sông, biển hoặc nước ngọt tích tụ nhiều sẽ sinh ra hiện tượng này. Chứng sẽ khiến mặt nước đục hoặc chuyển sang màu hồng, xám, tím, đỏ, đen hoặc xanh. Vì thế mới có những cái tên như: thủy triều đen, thủy triều xanh... Nhưng nhìn chung, nó không hề liên quan đến hoạt động của thủy triều, vì vậy các nhà khoa học thường thích dùng cái tên tảo nở hoa để mô tả hiện tượng này hơn. 

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến thủy triều đỏ như: Hàm lượng oxy trong nước bị giảm nhanh chóng. Hiện tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng gặp phải một điều kiện thuận lợi như nhiệt độ tăng cao đột ngột. Hay sự trao đổi nước kém, điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng đột biến. Yếu tố khác như lượng bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn. Ví dụ như sa mạc Sahara được cho là một trong những nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ.

Một số lần nó xảy ra ở Thái Bình Dương có liên quan đến biến đổi khí hậu quy mô lớn, như El Nino. Sự xuất hiện của thủy triều đỏ ở một số địa điểm dường như hoàn toàn tự nhiên, do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể do phú dưỡng hóa nguồn nước (thải quá nhiều vào nước chất dinh dưỡng như nitrat hay phốt phát từ hoạt động nông nghiệp hay hiện tượng nước trồi) dòng nước lạnh đặc và nhiều dinh dưỡng di chuyển từ phía sâu lên bề mặt đại dương, thay thế dòng nước nóng hơn. 

Hồng Huyền