Kiến nghị gỡ khó cho cá tra
Sự ra đời của Nghị định 36/2014/NĐ-CP, đã có những tác động tích cực đối với ngành hàng cá tra.
Tuy nhiên, nhiều địa phương, DN cho rằng, trong quá trình thực hiện một số quy định trong Nghị định 36 lại đang gây thêm khó khăn cho SX, XK cá tra.
Đầu tháng 7 này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị sửa đổi một số quy định trong Nghị định 36.
Theo công văn này, trong quá trình thực hiện Nghị định 36, các DN chế biến, XK cá tra ở Đồng Tháp đang gặp phải 3 khó khăn lớn.
Thứ nhất, việc bắt buộc phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra đang khiến cho DN phải tốn thêm nhiều thời gian làm thủ tục xác nhận với Hiệp hội này.
Do cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng XK sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận, nên khi làm thủ tục hải quan, các lô hàng cá tra XK đều phải đưa vào luồng vàng để hải quan kiểm tra hồ sơ, làm phát sinh thêm nhiều chi phí cho DN.
Thứ hai, quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 6 về tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) và tại Điểm c, Khoản 3, Điều 6 về hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi đã loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm, đang gây nhiều khó khăn cho DN XK cá tra.
Thứ ba, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm kiểm soát quá trình nuôi đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm…, đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện do phải tốn phí chứng nhận trong khi giá bán sản phẩm không tăng thêm.
Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã họp với các DN chế biến, XK cá tra trên địa bàn. Tại cuộc họp này, các DN cho rằng nếu thực hiện quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 6 về tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra XK phải phù hợp với quy định của nước NK, các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 6 về hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm theo Nghị định 36, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hiện nay chưa có khách hàng và đối tượng tiêu thụ sản phẩm này.
Về việc phải đăng ký hợp đồng XK với Hiệp hội Cá tra để kiểm soát nguồn cung cá tra, các DN tỉnh Tiền Giang cho biết, trên thực tế không có chuyện nông dân chờ tới khi có hợp đồng mua cá thì mới tiến hành thả nuôi.
Do đó, việc đăng ký hợp đồng XK không phải là công cụ để kiểm soát nguồn cung cá tra như mong muốn của Nghị định 36. Mặt khác việc khai báo sản lượng thường do DN tự khai mà không có cơ quan nào thẩm định.
Vì thế, khi khai số lượng sản phẩm, DN thường khai cao hơn so với thực tế để đề phòng có sự thay đổi số lượng vào phút chót. Thành ra, nếu chỉ dựa vào sự tự khai của DN khi đăng ký hợp đồng XK cá tra với Hiệp hội Cá tra thì sẽ không có được số lượng chính xác về sản lượng cá tra trên thực tế.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản cũng nêu ra một số vướng mắc mà các DN thành viên gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị định 36.
Về việc phải đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra, DN gặp khó khăn trong việc quản lý hồ sơ và cung cấp đầy đủ, chính xác giấy tờ liên quan, khi lô hàng XK được chế biến từ cá tra nguyên liệu của nhiều ao, trại nuôi khác nhau; người nuôi cá tra gặp khó khăn trong việc cung cấp các hồ sơ khi bán cá cho DN, nhất là khi bán cho nhiều nhà máy khác nhau; các mặt hàng XK chế biến từ phụ phẩm cá tra (bột cá, dầu cá, bao tử cá …) không thể cung cấp chính xác hồ sơ nguyên liệu khi thành phẩm và phụ phẩm XK sang các thị trường khác nhau.
Nhiều DN và cơ sở nuôi thường tiến hành nuôi cá tra khi chưa có hợp đồng XK. Thành ra, việc đăng ký hợp đồng XK sẽ không đảm bảo được là DN và người nuôi có thả cá vượt quá hay dưới mức nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, để thống kê sản lượng cá tra, cơ chế kiểm soát hiện nay của các cơ quan có liên quan (Hải quan, NAFIQAD, Chi cục NTTS ở các địa phương) đã có thể làm tốt việc này.
Trên cơ sở những vướng mắc của các DN cá tra khi thực hiện Nghị định 36, trong các công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đều kiến nghị sửa đổi quy định về mạ băng và hàm lượng nước trong Nghị định 36.
Theo đó, tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh đối với sản phẩm cá tra chỉ cần phải phù hợp với quy định của nước NK, và DN phải ghi, công bố tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước tối đa so với khối lượng tịnh trên nhãn mác, bao bì sản phẩm.
UBND 2 tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, hủy bỏ thủ tục phải đăng ký hợp đồng XK cá tra thông qua Hiệp hội Cá tra. UBND tỉnh Đồng Tháp còn kiến nghị Chính phủ cho lùi thời gian áp dụng VietGAP trên toàn bộ các ao nuôi đến hết năm 2016 thay vì hết năm 2015 …