TIN THỦY SẢN

Kinh nghiệm chọn tôm giống và nâng cao tỷ lệ sống

Lựa chọn tôm giống là khâu quan trọng trong nuôi tôm. Ảnh: Internet Nguyễn Bá Lâm

Con giống là yếu tố quan trọng quyết định trên 50% sự thành công của vụ nuôi. Muốn nâng cao được tỷ lệ sống và tăng năng suất tôm nuôi, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng ao nuôi tốt, mua tôm giống ở cơ sở có uy tín thì việc nắm chắc kỹ thuật chọn tôm giống là một điều hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi người nuôi tôm.

1. Kinh nghiệm chọn tôm giống

Chọn mua tôm giống thả nuôi từ các cơ sở sản xuất uy tín và thương hiệu, có đàn tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định; phải kiểm tra một số loại bệnh đặc trưng như MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử gan tụy... (có giấy kiểm dịch) trên tôm giống.

Ngoài phương pháp kiểm tra bằng máy, cần đánh giá cảm quan về cơ sở sản xuất trước khi lựa chọn mua giống: Trại giống phải sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ các trang thiết bị, hạ tầng để sản xuất giống; dụng cụ sản xuất phải được xử lý bằng các hóa chất khử trùng theo quy định và phơi khô; kiểm tra các bể giống có tôm chết hay không; sục khí, thành bể có sạch sẽ hay không; trong bể nuôi có sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất hay không.

- Kiểm tra tôm giống bằng cảm quan: Màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối; tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt; phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa; phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bị bệnh phát sáng.

Có thể dùng phương pháp ngừng sục khí bể giống trong 2 phút để quan sát tôm. Tôm post bơi ngược dòng phản xạ nhanh là tôm khỏe mạnh, tập trung ở giữa là tôm có chất lượng kém; gan tụy to và có nhiều giọt mỡ khi quan sát dưới kính hiển vi là tôm tốt, còn nếu gan tụy nhỏ, có màu trắng, ít giọt mỡ là tôm nhiễm bệnh. Quan sát dưới kính hiển vi để có thể phát hiện sự bám bẩn trên tôm post bởi các loại ký sinh trùng và nấm. Sự hiện diện của ký sinh trùng và nấm trên tôm chứng tỏ chất lượng nước của bể ương giống kém.

Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc bằng Formol trước khi thả. Cụ thể, thả 100 - 200 con tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch Formol nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống trên 95% là đạt yêu cầu. Ngoài ra, khi thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thường bơi ngược dòng nước hoặc bám chung quanh thành thau, tôm yếu tụ lại ở giữa. Nếu có trên 5% tôm con thả trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm chất lượng kém không nên chọn mua.

2. Kinh nghiệm nâng cao tỷ lệ sống và tăng năng suất tôm nuôi

Để nâng cao tỷ lệ sống và tăng năng suất tôm nuôi cần thực hiện tốt một số giải pháp như:

a.     Về nâng cao tỷ lệ sống

Bố trí khu vực ao nuôi nằm trong quy hoạch, hệ thống cấp thoát nước bố trí hợp lý. Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng và sạch bệnh. Lựa chọn phương thức vận chuyển và cách thả giống phù hợp. Quản lý và chăm sóc ao tốt, lựa chọn thức ăn đảm bảo chất lượng. Sử dụng vi sinh và quản lý tốt môi trường nước ao nuôi. Vệ sinh khu vực nuôi.

b.     Về tăng năng suất

Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nuôi tôm sinh thái, quy hoạch nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm, nhất là hệ thống thủy lợi, điện cho các vùng nuôi tôm công nghiệp. Đẩy mạnh chính sách về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý và chăm sóc tôm nuôi. Xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm để trình diễn, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả.

Phát triển quy trình nuôi tôm sạch, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống để nâng cao sản lượng tôm nuôi; xây dựng và áp dụng lịch mùa vụ một cách triệt để nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết

Xem thêm về lựa chọn giồng tôm

Nguyễn Bá Lâm TTKNQG