TIN THỦY SẢN

Kinh nghiệm nuôi ngọc trai nước ngọt bóng đẹp

Để có được hạt ngọc sáng, bóng, đẹp đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ. Ảnh: saffronart.com Vũ Dậu

Theo anh Trương Đình Tùng, để thu được ngọc trai sáng, đẹp ngoài việc nuôi trong môi trường nước sạch thì cần cấy ngọc công phu, tỉ mỉ.

Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi trai nước ngọt của người bạn ở tỉnh Ninh Bình, anh Trương Đình Tùng, 26 tuổi (thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bắt tay vào gây dựng trại nuôi trai tại quê hương. 

Anh Trương Đình Tùng là một trong những người triển khai thành công mô hình nuôi trai lấy ngọc trong môi trường nước ngọt. Trước đây, đa phần mọi người chỉ biết tới mô hình nuôi trai lấy ngọc trong môi trường nước mặn.   

Nhận thấy tiềm năng của mô hình, anh Tùng ở lại một năm tại trang trại nuôi trai của bạn để học, tích lũy kinh nghiệm. Tháng 6/2016, Tùng trở về quê quyết tâm khởi nghiệp. Khi đưa ra quyết định, bố mẹ anh phản đối kịch liệt, cho rằng anh không học  qua trường lớp liên quan đến nông nghiệp, sẽ không có kiến thức về nghề nuôi trai. Bố mẹ Tùng giải thích, từ xưa đến nay, chưa thấy ai nuôi, cấy ghép trai lấy ngọc từ nước ngọt bao giờ. Họ không tin con trai mình có thể làm được điều đó. Bỏ qua những lời ngăn cản của gia đình, Tùng quyết tâm khởi nghiệp. Chàng trai trẻ tận dụng ao nhà cạnh hồ Suối Nứa, nguồn nước quanh năm trong mát.Tùng nuôi 10.000 con trên diện tích mặt nước 5 sào với nguồn trai giống từ Yên Dũng, Bắc Giang.

Thời gian đầu, anh Tùng gặp phải nhiều khó khăn. Thời tiết không ủng hộ, nhiệt độ ngoài khu nuôi cao, trai bị chết nhiều. Khi phát hiện ra vấn đề, Tùng nhanh chóng thay đổi phương thức nuôi, điều chỉnh kỹ thuật và chọn lọc, thử nghiệm để tìm được môi trường phù hợp.

Anh cho biết, nhờ phương pháp nuôi, cấy ngọc trai công phu, anh đã thu được loại ngọc sáng bóng, đẹp mắt và chất lượng đồng đều. Để tìm ra phương pháp, anh thí điểm ở các sông, hồ với độ sâu khác nhau. Sau khi quan sát trai thích nghi tốt ở môi trường nào, độ sâu bao nhiêu, anh sẽ tiến hành cấy trai số lượng lớn ở vị trí đó.

Theo anh, trong nghề nuôi trai lấy ngọc, ngoài môi trường nước vệ sinh, nhiệt độ phù hợp, thức ăn đảm bảo, kỹ thuật cấy ghép tế bào trai được đánh giá là công đoạn khó và tỉ mỉ nhất.


Mô hình nuôi thả trai trên ao của anh Tùng. Ảnh: NVCC

Theo kinh nghiệm của anh Tùng, sau 2 năm, một lứa trai sẽ cho thu hoạch. Sau khi chọn giống và để thuần trong 10-20 ngày, người nuôi sẽ đưa vào bể dưỡng 24-48h để trai nhả bùn.  

Tiếp đó là công đoạn cấy ngọc vào trai. Thay vì cấy vào nội tạng như trai nước mặn, người nuôi sẽ tiến hành cấy vào túi tinh tùy theo kích cỡ của trai cộng với cấy ghép mô tế bào. Cấy ghép xong, trai được thả vào trong bể chứa và theo dõi.

Sau đó, người nuôi đựng trai cố định trong túi lưới và treo xuống ao, cách làm này giúp vị trí con trai không bị lệch, hạt ngọc mới tròn. Túi trai ngâm sâu trong nước khoảng từ 50-100cm. Khi công đoạn này hoàn tất, người nuôi sẽ sẽ tiếp tục chăm sóc và chờ đến ngày thu hoạch.   

Trong suốt quá trình này, nguồn nước cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Khi mới bắt đầu, phải xem nguồn nước có bị phèn chua không, không ở gần các khu công nghiệp dễ bị ô nhiễm. Nhiệt độ nước phải luôn duy trì từ 20-30 độ C. Nhiệt độ nước quá cao hoặc thấp quá sẽ khiến cho trai chết.

Đặc biệt, một năm cần phải thay ít nhất lần nước để đảm bảo tỷ lệ trai sinh trưởng tốt. Sau 2 năm, trai sẽ phủ lên hạt ngọc đã cấy những lớp ngọc và tăng dần kích thước. 

Thức ăn chính của trai là tảo. Trong ao nuôi trai, anh Tùng còn nuôi kết hợp cá chép để cá khoắng bể, giúp tảo bám vào thành túi, cung cấp thức ăn cho trai.



Hiện, ao nuôi của anh Tùng vẫn chưa bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng ngọc, bước đầu, anh đã thu được loại ngọc có kích thước đảm bảo, màu sắc sáng bóng, chất lượng cao. 

Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi trai của anh Tùng, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang đang xây dựng đề tài nghiên cứu để đánh giá toàn diện, từ đó nhân rộng nghề nuôi trai lấy ngọc trên địa bàn.

Vũ Dậu VnExpress