Kinh nghiệm Phần Lan và quản lý chất lượng cá tra giống
Quá trình nuôi cá hồi vân tại Phần Lan cũng trải qua những giai đoạn tương tự như đối với con cá tra tại Việt Nam. Đây được xem là một kinh nghiệm quí, đáng để ngành cá tra nước ta tham khảo.
Tuy nhiên, nhờ có chương trình chọn giống phù hợp, chất lượng cá hồi vân Phần Lan đã được cải thiện đáng kể không chỉ về tính trạng tăng trưởng, trọng lượng mà cả về tính trạng màu sắc cơ thịt, khả năng chống chọi với dịch bệnh và thích ứng với sự biến đổi của yếu tố môi trường…
Bấp bênh chất lượng giống cá tra
Nuôi cá tra thương phẩm đạt hiệu quả cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giải quyết tốt vấn đề con giống, nhất là chất lượng giống, là yếu tố tiên quyết, mặc dù giống chỉ chiếm dưới 10% tổng chi phí nuôi. Bởi vì, hiện nay chất lượng cá tra giống đang “báo động đỏ”.
Hiện nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng trên dưới 200 cơ sở sản xuất cá tra bột và 4.000 hộ ương cá giống. Sản lượng con giống toàn vùng đạt khoảng 2 tỷ con/năm, về cơ bản đáp ứng cho nhu cầu nuôi của cả ĐBSCL. Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất còn mang tính tự phát, qui mô nhỏ lẻ, chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng. Ngoài ra, do thị trường cá tra nguyên liệu không ổn định đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cá tra giống.
Theo PGS.TS. Dương Nhựt Long – Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra hiện nay không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh, do đó làm cho chất lượng con giống suy giảm, gây hao hụt và làng loạt hậu quả khác trong suốt quá trình nuôi: “Tỷ lệ thành công khi ương từ cá bột lên cá giống quá thấp, chưa tới 10%, trong khi tỷ lệ hao hụt cá tra giống tại các ao nuôi thương phẩm khá cao, có thể lên đến 30-35% thậm chí có ao lên đến trên 40% nếu thả nuôi với mật độ dày. Ngoài ra, chất lượng con giống không đảm bảo, trong quá trình nuôi, dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên, cá tăng trọng chậm, khiến gia tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế”.
Lý giải nguyên nhân suy giảm chất lượng cá tra giống, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng – cán bộ quản lý thủy sản tại huyện Tân Châu, Đồng Tháp cho biết: “Đặc điểm của cá tra bố mẹ là không cần nuôi vỗ vẫn có thể phát dục. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giống cá tra. Khi diễn biến thị trường cá giống bất lợi, để giảm chi phí, hộ sản xuất không quan tâm đúng mức khâu nuôi vỗ cá bố mẹ, nhưng khi giá cá giống tăng hộ sản xuất lại tăng tần suất sinh sản của cá bố mẹ. Chất lượng cá bố mẹ kém thì chất lượng trứng, cá bột không đáp ứng được yêu cầu là điều hiển nhiên”.
Ngoài ra, sự thay đổi của các yếu tố môi trường, trình độ tay nghề người sản xuất cũng là những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng con giống. Ông Lương Quốc Bảo, một hộ ương cá giống tại Cần Thơ, cho biết: “Tôi bắt cá bột tại các cơ sản sản xuất có mối quan hệ lâu năm, uy tín, nhưng khi ương thì “5 ăn 5 thua”. Không như trước đây, hiện tại gần như 100% cá bột được ương nuôi trong khoảng 25-30 ngày thì phát bệnh bất kể mùa thuận hay mùa nghịch. Rõ ràng, ngoài chất lượng cá bố mẹ ra, sự thay đổi củ các yếu tố môi trường, trình độ tay nghề của người sản xuất…cần phải được xem xét nghiêm túc, vì hiện nay các cơ sở sản xuất giống lấy nguồn cá bố mẹ chất lượng tại các trung tâm giống của Nhà nước”.
Bài học của Phần Lan
Dù chỉ là một đối tượng nuôi được du nhập vào Phần Lan từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, nhưng cá hồi vân đã tạo nên bước phát triển đáng kể và trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực tại quốc gia Bắc Âu này.
Quá trình phát triển cá hồi vân tại Phần Lan cũng trải qua những giai đoạn tương tự như đối với cá tra tại Việt Nam. “Đặc biệt, kể từ năm 1992, khi chương trình chọn giống được triển khai, chất lượng cá hồi vân Phần Lan đã được cải thiện đáng kể không chỉ về tính trạng tăng trưởng, trọng lượng mà cả về tính trạng màu sắc cơ thịt, khả năng chống chọi với dịch bệnh, thích ứng với sự biến đổi của yếu tố môi trường….” - ông Unto Eskelinen – chuyên gia Viện nghiên cứu Thủy sản Phần Lan cho biết.
Chương trình chọn giống cá hồi Phần Lan bắt đầu được khởi động từ năm 1992 với 3 bước chuẩn bị, bao gồm nhiều hoạt động trước đó. Bước đầu tiên là đánh giá tính khả thi của chương trình, đi kèm với đó là hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu cho các quần thể cá nuôi và tìm hiểu về các chương trình chọn giống đang thực hiện. Bước 2 là nghiên cứu rà soát, đánh giá và lập kế hoạch cho chương trình. Các nghiên cứu trong bước này tập trung vào việc phân tích và đánh giá hệ số di truyền cho 10 dòng cá theo định hướng chọn giống (môi trường nuôi, tính trạng…). Bước 3 của chương trình là tạo quần đàn ban đầu. Theo đó, 4 dòng cá tốt nhất được tuyển chọn để lai tái tổ hợp qua 2 thế hệ nhằm tạo quần đàn ban đầu cho quá trình chọn giống.
Sau các bước chuẩn bị trên, năm 1992, Phần Lan bắt đầu vận hành chương trình chọn giống và đạt được nhiều thành công. Ban đầu, chương trình chỉ tập trung vào các tính trạng sinh trưởng, nhưng đến năm 2001, chương trình chọn lọc bao gồm thêm các tính trạng về ngoại hình. Dòng cá mới được chọn lọc bao gồm tính trạng thành thục muộn và nâng cao khả năng thích nghi. Năm 2004, chương trình mở rộng thêm các tính trạng liên quan đến sức đề kháng và sức sống của cá. Tiếp nối những thành công trên, những năm tiếp theo chương trình tiếp tục tập trung vào các tính trạng chất lượng, nâng cao tỷ lệ sống và được mở rộng cho chọn giống đối với các loài cá thịt trắng châu Âu khác.
“Nếu như năm 1996 trọng lượng trung bình cá hồi vân tại Phần Lan chỉ đạt 0,8 kg/con thì đến năm 2008 nhờ chương trình chọn giống, tính trạng tăng trưởng đã được cải thiện đáng kể và đạt 1,8 kg, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, hiệu quả sản xuất được nâng cao do chu kỳ nuôi ngắn hơn, hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao…” - ông Unto Eskelinen cho biết.
Ngoài ra, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan giữa các trại giống cũng như trại giống với các vùng nuôi thương phẩm, Phần Lan thiết lập và kểm soát chặt chẽ các vùng sản xuất an toàn, sạch bệnh, đảm bảo ATSH tối đa. Hằng năm, các chuyên gia của Tổ chức Sức khoẻ Động vật Thế giới đánh giá hiệu quả của thú y vùng trong dịch vụ quản lý sức khỏe động vật thủy sản. Đây là một hoạt động liên tục nhằm cải thiện một cách bền vững các dịch vụ thú y hoặc thú y thủy sản với các tiêu chuẩn quốc tế và mang lại hiệu quả lâu dài. Việc đánh giá này sẽ giúp xác định được những điểm quan trọng trong kiểm soát sức khỏe động vật thủy sản.
Liên hệ với thực trạng chọn giống cá tra tại Việt Nam, ông Unto Eskelinen cũng nhận định: “Vẫn còn quá sớm để khẳng định đây có phải là mô hình tốt để áp dụng cho cá tra Việt Nam hay không, chúng ta cần có những hiểu biết, nghiên cứu sâu rộng hơn. Tuy nhiên, đây sẽ là mô hình có giá trị ý nghĩa, xứng đáng để các bạn tham khảo”.