Kinh tế ổn định nhờ nuôi ba ba sinh sản
Hơn 20 năm nuôi ba ba sinh sản, anh Nguyễn Đức Lợi, ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống khấm khá. Gắn bó lâu năm với con ba ba một phần cũng vì sự yêu thích loài vật này, ba ba lại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, thị trường tiêu thụ tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Tham quan mô hình nuôi ba ba của anh Lợi đúng lúc anh chuẩn bị thức ăn cho đàn ba ba dưới ao. Thấy khách thắc mắc vì ao nuôi ba ba có đầy lục bình, anh Lợi cho biết: Anh cho lục bình vào ao nuôi nhằm tạo môi trường thiên nhiên, độ mát trong ao, là nơi trú ngụ cho đàn ba ba trong mùa nắng… Nuôi ba ba khỏe hơn so với nhiều vật nuôi khác, bởi chỉ cần cho ba ba ăn đầy đủ thức ăn, chờ đến ngày ba ba sinh sản lấy trứng ấp, nở rồi bán con giống. Cái thuận lợi của việc nuôi ba ba là rất ít khi chúng bị bệnh, lại có giá trị kinh tế cao.
Anh Lợi chia sẻ: “Lúc tôi vào nghề nuôi ba ba chưa có kinh nghiệm, trong khi ở địa phương cũng chưa có ai nuôi. Ban đầu mua con giống về rồi hỏi người bán cách cho ăn, chứ không biết đến kỹ thuật nuôi thế nào để ba ba tăng trọng nhanh, phân biệt ba ba đực, cái để tách nuôi riêng... Với 1.000 con giống ban đầu, tôi nuôi chung một ao nuôi đến lúc ba ba trưởng thành hơn 2 năm bắt đầu cho sinh sản chỉ còn khoảng 700 con, tỷ lệ đực, cái là 50-50. Khi ba ba cái sinh sản do chưa biết cách cho ấp trứng nên tỷ lệ nở đạt khoảng 50%. Sau khi tự rút kinh nghiệm đến nay tỷ lệ trứng ba ba ấp nở đạt trên 90%”.
Anh lợi khoe con ba ba đang rong giai đoạn sinh sản.
Theo anh Lợi, ba ba từ lúc ấp nở nuôi đến lúc sinh sản cần thời gian 2 năm, chúng đẻ 2 lần/tháng, mỗi đợt đẻ tầm 17-18 trứng/con. Như vậy, bình quân 1 con đẻ được 34-36 trứng/tháng và chúng sẽ đẻ suốt từ tháng 2 đến tháng 10 hằng năm. Qua 20 năm gắn bó cùng con ba ba, tổng đàn ba ba sinh sản tại hộ anh Lợi luôn giữ ổn định từ 8.000-10.000 con ba ba bố mẹ, nuôi trong 5 ao, mỗi ao có diện tích 400-500m2.
Để ba ba đẻ trứng chất lượng, tỷ lệ ấp nở đạt cao, phải thay giống bố mẹ sau 3 năm. Vì vậy, đàn ba ba sinh sản 10.000 con như trên, anh Lợi vừa loại thải bớt 6.500 con. Hiện tại, trong 2 ao nuôi còn lại khoảng 3.500 con giai đoạn sinh sản, mỗi đêm cho 2.000-3.200 trứng. Với lượng trứng như trên, mỗi ngày đều phải đem trứng đi ấp trước khi lựa chọn số trứng có phôi. Như vậy, lượng trứng trong một tháng thu về 62.000 trứng. Trứng ba ba đẻ ra để nở thành con phải vùi trong cát tầm 55 ngày. Sau 1 tuần ấp nở nuôi dưỡng là xuất bán ba ba giống, giá bán 4.000 đồng/con; còn với trứng ấp trong khoảng thời gian 35 ngày xuất bán có giá 3.000 đồng/trứng. Như vậy, quân bình một tháng trừ chi phí tiền thức ăn cho ba ba, anh Lợi thu về số tiền bán ba ba giống trên 80 triệu đồng. Thường ba ba con và trứng phần lớn được bán ở các tỉnh miền Trung, đây là thị trường rất tiềm năng.
Anh Lợi chia sẻ thêm: Để nuôi ba ba thành công trước hết người nuôi phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, trước khi thả nuôi cần cải tạo ao thật kỹ, rải vôi bột xử lý phèn trong ao trước khi cho nước vào ao nuôi. Đồng thời, để tránh ba ba bò ra ngoài gây thất thoát số lượng con giống nuôi, xung quanh ao nên lấy tole bao quanh. Sau thời gian thả nuôi ba ba, nên thay nước 1 lần/tuần, chú ý xem nước có bị nhiễm mặn hay không. Ngoài ra, cần chú ý ngăn ngừa bệnh nấm trên lưng ba ba để kịp thời xử lý, bởi nấm ăn sâu vào lưng sẽ làm ba ba chết. Hiện tại, anh đang gầy lại đàn ba ba giống với số lượng 10.000 con bố mẹ sinh sản và tiếp tục bao tiêu con giống ba ba đầu ra cho các thành viên tại Tổ hợp tác nuôi ba ba, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân ở địa phương…