TIN THỦY SẢN

Ký sinh trùng làm chết cua biển

Cua biển Hồng Huyền

Ký sinh trùng ký sinh trong xoang cua biển (Scylla sp.) nuôi tại Cà Mau là nội ký sinh trùng Portunion conformis thuộc họ Entoniscidae, một họ của giáp xác chân đều Isopoda. Là một loài nội ký sinh lần đầu tìm thấy nhiều trong xoang cua biển nuôi bị chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo như nghi nhận, tổng số 133 con cua đã được thu thập từ các ao nuôi trong khoảng thời gian từ 1-4/2023 tại 5 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái nước, Đầm Dơi và Phú Tân tỉnh Cà Mau (34 cua đực và 99 cua cái, trọng lượng từ 45- 315 gram), trong đó có 78 con cua có biểu hiện bệnh như bò chậm chạp, run chân, chết nhanh khi mang lên khỏi nước, mai bám bẩn, vàng yếm, đen mang, gan tụy tiêu biến nhiều, ốp thịt và 55 con cua không có biểu hiện bệnh như mai cua có màu xanh bùn, yếm trắng sáng, mang trắng, gan đầy và chắc thịt.

Những con cua này cho thấy có sự hiện diện của ký sinh trùng P. conformis từ 60 -80 % trong mẫu cua nuôi, ký sinh trùng trưởng thành và ôm ấu trùng sẵn sàng cho sinh sản. Đặc biệt cua bệnh chết hàng loạt vào thời điểm tháng 2-6 dương lịch (12 - 4 âm lịch) khi môi trường nước có độ mặn từ 17 - 31‰. Có thể giai đoạn này là mùa sinh sản của P. conformis, ấu trùng Epicardium được giải phóng ra môi trường nhiều và xâm nhiễm vào xoang cua. 

Qua ghi nhận được từ thực tế cho thấy tỉ lệ cua bị nhiễm P. conformis trong xoang cua là 62,4%. Mật độ  P. conformis ký sinh từ 1-15 con/cua. Kích thước P. conformis có chiều dài từ 1-3 cm, con trưởng thành ôm trứng và ấu trùng có khối lượng đến 2 gram. Mỗi giáp P. conformis cái trưởng thành có thể giải phóng ra môi trường nước trung bình 91,000± 26,000 ấu trùng Epicardium. Ấu trùng này có kích thước trung bình 288,6, ± 19,9 µm.

Khi ấu trùng được giải phóng ra môi trường nước, chúng có khả năng bơi tự do. Từ ngày thứ 1-3 ấu trùng tập trung nổi tầng mặt và hướng quang, ngày thứ 4-7 ấu trùng dần xuống đáy trú ẩn. Theo dõi ấu trùng trong môi trường nước biển 7 ngày, ấu trùng không có hình dạng biến thái nào khác so với hình thái đầu tiên được quan sát khi chúng được sinh ra từ P. conformis cái.  

Ký sinh trùng P. Conformis đẻ trứng vào gan, cơ và tim cua, ấu trùng Epicardium cũng tìm thấy trong các tổ chức mô gan, cơ và tim cua.  P. conformis còn nhỏ có màng bao bên ngoài màu trắng trong, hình sâu tìm thấy trên cả cua chưa có dấu hiệu bệnh và cua có dấu hiệu bệnh; P. conformis trưởng thành ôm trứng có cơ thể trương phồng và có màu vàng gạch, đến giai đoạn trứng phát triển ấu trùng cơ thể nó căng to, có màu hồng tím đến nâu đen, chỉ tìm thấy trên cua bệnh.

P. conformis ký sinh trong xoang cua, chúng sử dụng dinh dưỡng của cua để sinh trưởng. Ảnh: uv-vietnam.com.vn

Sau khi giải phóng ấu trùng ra ngoài, cơ thể P. conformis được bao quanh bởi cái túi màu trắng, rỗng. P. conformis ký sinh trong xoang cua, chúng sử dụng dinh dưỡng của cua để sinh trưởng. Chúng tập trung xung quanh dạ dày cua và đưa hệ thống chân tơ vào gan đây có thể là cơ để hút lấy dinh dưỡng của cua nên dẫn đến cua bị nhiễm P. conformis thường bị óp thân, gan tiêu biến nhiều, trong xoang có nhiều dịch lỏng, cụ thể là qua phân tích mô học cho thấy ấu trùng của P. conformis hiện diện trong mô cơ, mô gan tụy và mô tim của cua. 

Hiện nay, có thể chủ động cho sinh sản nội ký sinh trùng P. conformis trong điều kiện nhân tạo đều này giúp cho việc thu ấu trùng phục vụ cho các đánh giá sâu hơn như cảm nhiễm nhân tạo để đánh giá lại khả năng gây chết cua bởi ấu trùng P. conformis. Thử nghiệm sinh sản nội ký sinh trùng P. conformis trong điều kiện nhân tạo còn mang lại ý nghĩa khoa học cao cho công tác nghiên cứu bệnh học trên đối tượng cua nuôi nói riêng và trên giáp xác nuôi có giá trị kinh tế khác nói chung.  

Như vậy, ký sinh trùng P. Conformis hiện diện trong xoang cua biển nuôi tại tỉnh Cà Mau là đối tượng mới gây ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị sản phẩm cua Cà Mau và đây cung là những ghi nhận bước đầu về khả năng gây bệnh của nội ký sinh trùng P. conformis trên cua biển. Tuy nhiên cần có nhưng đánh giá tiếp theo về độc lực của ký sinh trùng P. conformis đối với cua, tìm ra đặc điểm dịch tể học loài này để có những phương pháp phòng trị hiệu quả.  

Hồng Huyền