TIN THỦY SẢN

Kỹ thuật nuôi rong và diệt rong làm thức ăn tôm

Kỹ thuật nuôi rong và diệt rong làm thức ăn tôm Quốc Hiệp - Quốc Toàn

“Kỹ sư' nuôi rong là tên gọi vui mà bà con đặt cho anh nông dân Lê Ngọc Giao, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân. Trong khi nhiều người nuôi tôm thường lạm dụng hoá chất, thì anh Giao lại đi từ yếu tố căn bản là tạo môi trường tự nhiên bằng vi sinh, chế phẩm sinh học.

Mất nhiều thời gian tìm hiểu và thực hiện quy trình nuôi rong, rồi lại diệt rong trong đầm nuôi tôm quảng canh cải tiến, anh Giao chia sẻ , đây là khâu quan trọng trong quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh bền vững. Con tôm cần nhất 3 yếu tố: có thức ăn để sống, có ôxy để thở và môi trường sống rộng rãi, trong lành. 17 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thức ăn thiên nhiên không còn, vì vậy đòi hỏi phải tạo nguồn thức ăn cho tôm đối với nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống.

"Yếu tố quan trọng là phải khôi phục các yếu tố tự nhiên, đảm bảo môi trường vì môi trường nước nuôi tôm hiện nay ít nhiều bị ô nhiễm vì chất thải chính từ nuôi tôm và các chất thải công nghiệp khác, thải ra, lấy vào đều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bà con thường nóng vội, thả tôm rất dày, có khi chỉ 1 ha nhưng thả đến cả trăm ngàn con giống, vậy mà chừng 2 tháng lại tiếp tục thả nối đuôi. Quá dày, không đủ thức ăn, phát sinh bệnh tật, hậu quả là… thất bại", anh Giao khẳng định.

Với suy nghĩ làm cách nào vừa có thức ăn tự nhiên cho tôm, vừa cải thiện được môi trường bền vững, với kiến thức tích luỹ được và dựa trên quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến của ngành chuyên môn, anh Giao xây dựng một quy trình nuôi tôm “quảng canh cải tiến bền vững” cho mình và chia sẻ cho bà con xung quanh cùng thực hiện. Nhiều hộ được anh hướng dẫn áp dụng đã thành công ngay vụ nuôi đầu tiên.

Quy trình bền vững

Quy tắc chung của quy trình này là đảm bảo 3 yếu tố: thứ nhất là nuôi thưa, chỉ 1-2 con/m2 để đảm bảo môi trường sống đủ ôxy và thức ăn, hạn chế bệnh tật cho tôm; thứ hai là tạo thức ăn cho tôm nuôi bằng giải pháp tự nhiên. Có thể tận dụng rạ lúa, cỏ khô để thả xuống vuông. Khi cây cỏ phân huỷ sẽ sinh ra các loại sinh vật làm thức ăn cho tôm. Đối với những khu vực vuông nuôi thiếu cỏ khô, gốc rạ như ở huyện Phú Tân hiện nay thì phải thực hiện quy trình tạo rong. Rong sẽ hút chất bẩn do quá trình nuôi tôm thải ra, góp phần cải thiện môi trường và cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm khi rong chết đi.

Anh Lê Ngọc Giao (bìa phải) thường xuyên trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến cho bà con nông dân.

Để tạo rong thì dùng chế phẩm sinh học và đạm vô cơ rải đều trên trảng, mỗi công đất chừng 1 kg. Chỉ rải trên một khu vực nhỏ trong vuông tôm thôi, rồi sau đó diệt đám rong này lại tạo rong chỗ khác. Nếu rong mọc hết vuông tôm không khéo tôm lại thiếu ôxy thì tác dụng ngược. Còn cách diệt rong thì dễ, có thể dùng men hoặc thuốc để cắt luồng rong. Rong phân huỷ sẽ tạo nên thức ăn cho tôm. Quy tắc chung là vậy, nếu vuông nuôi có thảm thực vật như cỏ hay năn thì sẽ thực hiện bằng cách khác.

Làm tốt công việc này cũng là đảm bảo cho yếu tố thứ 3 trong quy trình nuôi tôm bền vững, đó là đảm bảo môi trường. Anh Giao nói, trong quá trình cải tạo ao đầm không được dùng hoá chất mà phải sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh. Chỉ sử dụng hoá chất lúc cải tạo ban đầu và diệt tạp.

Vụ nuôi theo quy trình này kéo dài 1 năm, bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch hằng năm. Ban đầu phải cải tạo ao đầm triệt để, diệt cá tạp và phơi đất khô. Tiếp đó hứng nước mưa và thực hiện việc tạo rong. Sau đó diệt rong để tạo thức ăn cho tôm rồi tiến hành xử lý nước bằng thuốc diệt khuẩn, tro trấu, khoáng, men vi sinh và thả tôm nuôi. Tôm hầm đất là phù hợp, thả ban đầu khoảng 1 con/m2, sau đó thả bổ sung hằng tháng. Cứ thế, khi lứa nào thu hoạch được thì thu hoạch và thả giống bổ sung nhưng phải đảm bảo mật độ khoảng 2 con/m2. Hằng tháng phải tạt men vi sinh bổ sung trong quá trình nuôi. Điểm đáng lưu ý là nuôi theo quy trình này thì rất ít thay nước, chủ yếu là lấy nước thêm khi mực nước trên ao đầm hụt đi.

Hiệu quả…

Ở ấp Đất Sét và là một trong những hộ được anh Giao hướng dẫn thực hiện nuôi theo quy trình này, đã đạt hiệu quả ngay vụ đầu tiên, ông Tô Ngọc Đẹp cho rằng: "Trước đây, nuôi truyền thống trúng lắm cũng khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, thậm chí mấy năm gần đây tôm chết hoài. Bây giờ nuôi theo quy trình này mà thu nhập 50 triệu đồng/ha coi như là thất".

Ông Phạm Hoàng Phương ở cùng ấp cũng áp dụng theo quy trình này từ giữa năm 2016 trên diện tích 3 ha của gia đình mình. Mức thu nhập đến nay của gia đình đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/ha. Không giấu được sự vui mừng, ông Phương cho biết: "Yếu tố quan trọng là sử dụng các giải pháp hoàn toàn tự nhiên nên tôm nuôi rất mạnh và ổn định, lớn nhanh".

Hơn 20 hộ dân ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân thực hiện theo quy trình này đều có hiệu quả ban đầu. Tất cả bà con đều vô tổ hợp tác để thuận tiện thông tin, trao đổi lẫn nhau. Có lúc thông tin qua điện thoại, có lúc trực tiếp.

Là nông dân thực thụ nhưng anh rất thuần thục cách sử dụng vi sinh, khoáng… Kiểm tra dấu hiệu trên tôm, anh biết nó thiếu thức ăn hay chậm lớn do nguyên nhân gì, từ đó bày cho bà con cách xử lý phù hợp. Anh nhiệt tình đi từ cánh đồng này đến ruộng nọ, từ nhà nọ đến nhà kia để hướng dẫn bà con cách nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững.

Vừa qua, được ngành chuyên môn hỗ trợ để thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh cho 5 hộ, anh Giao lồng ghép thực hiện luôn quy trình của mình. Kết quả, 3 hộ thành công do thực hiện đúng quy trình. Thu hoạch bình quân hơn 100 triệu đồng/ha. 2 hộ thành công chưa cao do thực hiện sai, thả tôm quá dày nên không đủ ôxy, thức ăn.

Kỹ sư Nguyễn Văn Lương, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, cho biết: "Về cơ bản quy trình nuôi tôm của anh Giao áp dụng không khác so với quy trình khuyến cáo của ngành chuyên môn nhưng có cải tiến theo hướng phù hợp điều kiện đất đai và thực tế từng vuông nuôi. Điểm quan trọng là nuôi thưa và tạo môi trường tự nhiên lý tưởng cho tôm nuôi sinh sống và có thức ăn, ít thay nước".

…và nhân rộng

Tiếng lành đồn xa, nhiều bà con ở xã Tân Hưng Tây, Phú Tân, Việt Thắng... đến tìm hiểu, nhờ anh Giao hướng dẫn thực hiện mô hình quảng canh cải tiến bền vững này. Trong đó có cả những người đã từng nuôi công nghiệp thất bại nay muốn trở về mô hình nuôi bền vững hay những nông dân từng nuôi quảng canh truyền thống, giờ muốn nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Văn Sơn, ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, mấy năm nay tôm thất liên tục. Được anh Giao chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật nuôi quảng canh cải tiến ít thay nước, ông nuôi được hơn 8 tháng, 5 tháng nay đã thu hoạch dần, mỗi tháng cũng hơn chục triệu đồng.

Ông Hồ Hởi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết: "Xã vừa phối hợp ngành chuyên môn tổ chức hội thảo về mô hình này. Bà con phấn khởi lắm bởi đã có hướng đi cho người nuôi tôm ít vốn, ít kỹ thuật nhưng đất đai rộng. Xã cũng đưa vào kế hoạch trình cấp trên nâng lên thành hợp tác xã để bà con áp dụng mô hình cánh đồng lớn". “Phải nhân rộng” là câu khẳng định của lãnh đạo xã này, của ngành chuyên môn và nhiều nông dân khác. Đây cũng là điều kiện góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.

Quốc Hiệp - Quốc Toàn Báo Cà Mau