Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng
Bài viết giới thiệu: Kỹ thuật trông cầy nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng ở rừng ngập mặn và trên vùng đất cát ven biển.
I. Kỹ thuật trông cầy nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản kết hợp trong rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển và rừng sản xuất là rừng ngập mặn
1. Khu vực sản xuất kết hợp
- Thực hiện trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ trên các bờ bao hoặc phần đất trống không có rừng.
- Nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, trong kênh, rạch giữa các đai rừng.
2. Các yêu cầu đối với trồng cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp
a) Loài cây trồng: Trồng các loài cây ăn quá, cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu hoặc rau, màu tùy điều kiện cụ thể của địa phương.
b) Phương thức trồng: Theo các tiêu chí VietGAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Biện pháp kỹ thuật trồng các loài cây cụ thể thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật riêng đối với từng loài cây do cấp có thẩm quyền ban hành.
3. Các yêu cầu đối với nuôi trồng thủy sản kết hợp
a) Con giống: Sử dụng giống tự nhiên có sẵn trong nguồn nước ở vùng nuôi, bổ sung nguồn giống sinh sản nhân tạo nhưng phải là loài bản địa, được kiểm soát chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc và qua kiểm dịch.
Một số loài nuôi thích hợp như: cá, tôm, nhuyễn thể, rong biển,...
b) Thời gian thả nuôi: Có thể thả nuôi quanh năm theo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và đặc tính sinh học của loài nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu.
c) Chăm sóc: Chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong khu vực nuôi.
d) Phòng và trị bệnh: Sử dụng biện pháp phòng bệnh là chính, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các mầm bệnh từ bên ngoài, phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trong khu vực nuôi. Nên lấy nước vào ao nuôi lúc đỉnh triều để giảm thiểu bệnh.
đ) Thu hoạch và bảo quản: Thu hoạch sản phẩm bằng hình thức thu tỉa nhiều lần hay thu hoạch toàn bộ một lần trong năm tùy thuộc điều kiện thực tế của chủ nuôi. Không sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất, tạp chất,... trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
e) Biện pháp kỹ thuật nuôi trồng, khai thác, bảo quản đối với từng loài thủy sản cụ thể thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền ban hành.
II. Kỹ thuật trồng cây nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản kết hợp trong khu vực rừng phòng hộ chắn gió, cát bay và rừng sản xuất trên vùng đất cát ven biển
1. Khu vực sản xuất kết hợp
- Trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ với mật độ thích hợp sau các dải rừng với khoảng cách bằng hai lần chiều cao của đai rừng trưởng thành trở lên và trồng trong các ô vuông bàn cờ.
- Nuôi trồng thủy sản kết hợp ở khu vực phía sau dải rừng phòng hộ, nơi có nguồn nước và chất lượng nước ổn định, thích hợp nuôi trồng thủy sản.
2. Các yêu cầu đối với trồng cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp
a) Loài cây trồng: Trồng các loài cây ăn quả, cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu hoặc rau, màu tùy theo điều kiện cụ thể.
b) Phương thức trồng: Theo các tiêu chí VietGAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Biện pháp kỹ thuật trồng các loài cây cụ thể thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật riêng đối với từng loài cây do cấp có thẩm quyền ban hành.
3. Các yêu cầu đối với nuôi trồng thủy sản kết hợp
a) Thiết kế ao nuôi
- Hình vuông, hình tròn hoặc hình chữ nhật, có diện tích 1.500 - 5.000 m2 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nền đáy bằng phẳng, được nén chặt và được lót bằng vật liệu chống thấm.
- Độ sâu tốt nhất từ 1,8 - 2,5 mét hoặc tối thiểu phải chứa được 1,2 mét nước.
- Bờ ao: Phải luôn cao hơn mực nước trong ao ít nhất 0,5mét. Tốt nhất nên phủ bạt nylon chống thấm. Mỗi bờ ao nên đầu tư làm tường rào có thể bằng Fibro xi măng hoặc lưới dày nhằm ngăn các con vật gây hại (cua, còng, chuột, ếch, nhái), chắn cát, chắn gió, hạn chế dịch bệnh và ngăn chặn các yếu tố gây hại khác.
- Hệ thống cấp thoát nước: Mỗi ao đều có cống cấp và thoát nước riêng biệt, khẩu độ cống tùy vào thể tích nước của ao, sao cho có thể cấp đủ nước theo yêu cầu trong vòng 4-6 giờ hoặc có thể tháo cạn nước trong ao trước khi thủy triều lên. Ngoài ra, cần trang bị thêm máy sục khí.
b) Con giống: Sử dụng giống tự nhiên có sẵn trong nguồn nước ở vùng nuôi, bổ sung nguồn giống sinh sản nhân tạo được kiểm soát chất lượng, xuất xứ nguồn gốc và qua kiểm dịch.
Một số loài nuôi thích hợp như: cá, tôm,....
c) Thời gian thả nuôi: Có thể thả nuôi quanh năm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và đặc tính sinh học của loài nuôi.
d) Chăm sóc: Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên và bổ sung nguồn thức ăn công nghiệp. Thường xuyên kiểm tra chất lượng; nước trong khu vực nuôi. Không sử dụng thức ăn, hóa chất, kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản.
đ) Phòng và trị bệnh: Biện pháp phòng bệnh là chính bằng cách kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời khi có bệnh xảy ra trong khu vực nuôi.
e) Thu hoạch và bảo quản: Thu hoạch sản phẩm bằng hình thức thu tỉa nhiều lần hay thu hoạch toàn bộ một lần trong năm tùy thuộc điều kiện thực tế của chủ nuôi. Không sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất, tạp chất,... trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
g) Biện pháp kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản đối với từng loài thủy sản cụ thể thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền ban hành.