TIN THỦY SẢN

Lạ mà hay: Trang trại tận thu chất thải của tôm để nuôi cá kèo

Hệ thống 4 hồ nuôi hình tròn có lưới che nhìn từ trên cao của anh Long Văn Nghĩa. Ảnh: Bizmedia Hương Giang

Anh Long Văn Nghĩa (thành phố Bạc Liêu) hiện ứng dụng nuôi tôm biofloc trong bể tròn vách đứng để tận thu chất thải làm thức ăn nuôi cá kèo.

Anh Nghĩa giải thích, con tôm chỉ hấp thu tối đa 38% thức ăn, hơn 60% còn lại là nitro bị thải ra môi trường - nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Trong khi đó, cá kèo ăn tạp, chủ yếu thức ăn là chất hữu cơ phân hủy nên có thể sử dụng lại phân tươi của tôm thu gom hàng ngày làm thức ăn.

Từng là kỹ sư thủy sản, nuôi tôm từ năm 2002 đến nay, anh Nghĩa đã nuôi tôm trong ao nền đất, ao lót bạt (vẫn là nền đất, lót thêm bạt HDPE ở đáy ao), nhưng theo anh mô hình hồ nuôi tròn đến nay cho hiệu quả tích cực hơn hẳn.

Hiện, hệ thống ao nuôi của anh Nghĩa hiện gồm 4 hồ nuôi dạng tròn. Diện tích mặt nước khoảng 500 m2 một hồ. Các hồ lót bằng bạt nhựa HDPE một ly độ bền lý thuyết khoảng 10 năm.

Anh dùng bể tròn, vách đứng để nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ biofloc. Như vậy vừa thu được sản lượng tôm lớn, dễ gom chất thải hàng ngày để tận dụng nuôi cá kèo, đồng thời có thể tái sử dụng gần như toàn bộ nguồn nước.

Anh Nghĩa cho biết hồ nuôi hình tròn, vách đứng có nhiều ưu điểm. Hình dáng tròn và vách đứng khiến quạt gió chạy tạo thành lực ly tâm đẩy vỏ tôm lột, phân tôm, thức ăn thừa vào giữa hồ, dễ thu gom, làm sạch. Ngoài ra, vách đứng làm cho tảo ít bám vào vách, ao nuôi sạch hơn, tôm ít ăn tảo và các chất bám ở thành bể.

Đồng thời, quạt gió giúp tạo dòng chảy liên tục khiến các vi sinh lơ lửng liên tục trong nước, đáp ứng yêu cầu của phương pháp biofloc. Đây là cách nuôi tôm không sử dụng hóa chất mà dùng hệ vi sinh bổ sung vào nước để đảm bảo tôm phát triển khỏe mạnh, đồng thời làm sạch môi trường nước và hạn chế chất độc có trong nước sinh ra từ thức ăn dư thừa, phân tôm.


Theo anh Nghĩa, hồ nuôi tôm hình tròn có nhiều ưu điểm. Ảnh: Bizmedia

Phía trên hồ nuôi tôm có giăng lưới che để giảm bớt 1/3 ánh sáng đảm bảo cho quy trình biofloc và các vi sinh phát triển. Ngoài ra, lưới bằng HDPE có khả năng phản nhiệt, hạn chế côn trùng, chim tấn công hồ nuôi.

Đáy hồ nuôi tôm bố trí hệ thống hút gom chất thải, có nhiệm vụ hàng ngày hút, xả để gom phân tôm lại và chuyển sang ao nuôi cá. Nhờ nước được làm sạch thường xuyên nên tới cuối vụ tôm có thể tái sử dụng nguồn nước này cho vụ nuôi tiếp theo.

Anh Nghĩa kể lại, giai đoạn đầu, anh nuôi tôm ao đất, rất khó quản lý môi trường, thất bại nhiều. Tới ao đất lót bạt thì khi môi trường bên ngoài biến động lớn cũng dễ thất bại. Từ khi chuyển sang hồ nuôi này, tỷ lệ thành công là trên 90%.

Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi hồ nuôi cũng phải ít nhất 150 triệu đồng một năm bao gồm cả bạt, khung sắt, thức ăn, vi sinh, khoáng bổ sung. Ngoài ra, khi nuôi siêu thâm canh, người nuôi cần đầu ra ổn định để có thể đáp ứng chi phí.

Đồng thời, mật độ nuôi tôm cao nên mỗi bể hàng ngày đều được lấy mẫu kiểm tra hàm lượng khoáng chất (Ca, Mg...) và độ pH. Đây là các chỉ tiêu quan trọng giúp theo dõi sức khỏe tôm để tính toán tỷ lệ thức ăn và bổ sung khoáng, vitamin C hay lượng vi sinh kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh.


Anh Long Văn Nghĩa đang kiểm tra sức khỏe tôm. Ảnh: Bizmedia

Ngoài ra, theo anh nghĩa, khi thiết kế hệ thống ao nuôi tôm, tỷ lệ ao nuôi và ao xử lý nước nên là 20-80%, như vậy mới đủ khả năng xử lý nguồn nước sạch, tránh ô nhiễm môi trường.

Với 4 hồ nuôi tôm tổng diện tích mặt nước 2.000 m2, anh Nghĩa có 8.000 m2 các ao phụ trợ để xử lý nước sau mỗi vụ nuôi để quay vòng tái sử dụng nước. Hệ thống xử lý nước gồm gồm ao lắng thô thứ nhất, thứ hai, thứ ba và hai ao sẵn sàng trước khi châm nước vào ao nuôi.

Trong nuôi tôm, nguồn chất thải là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường. Mô hình này được anh Nghĩa áp dụng hơn một năm nay không chỉ giúp làm sạch nước, có thêm thu nhập từ cá kèo mà còn giảm chi phí xử lý chất thải nuôi tôm.

Hương Giang VnExpress