TIN THỦY SẢN

Lại "dính" kháng sinh, Nhật xoay hướng nhập tôm Ấn thay tôm Việt

Chỉ chưa đầy 4 tháng, 11 lô hàng tôm xuất khẩu sang EU và Nhật Bản đã bị trả về Lê Hường

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thêm nhiều lô hàng tôm của Việt Nam bán qua Nhật bị trả về trong tháng 3 và tháng 4/2014 vì “dính” chất kháng sinh Oxytetracyline (OTC).

VASEP cho biết, kể từ khi Nhật áp dụng chế độ kiểm tra chỉ tiêu chất Oxytetraxycline (OTC) với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam thì số lượng lô tôm bị phát hiện chỉ tiêu OTC vượt mức cho phép không giảm đi.

Vasep cảnh báo, phía Nhật Bản đang cân nhắc lấy nguồn tôm từ Ấn Độ và Indonesia thay cho Việt Nam, do 2 nước này đã khắc phục triệt để khi tôm của họ bán vào Nhật có sự cố. 

Được biết, hiện nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng mua từ Việt Nam.

Mới đây, khoảng trung tuần tháng 4/2014, VASEP cũng cho biết, cơ quan thẩm quyền của EU phát hiện một số lô tôm nuôi nhập từ Việt Nam bị nhiễm OTC vượt mức giới hạn cho phép là 0,1ppm. VASEP cảnh báo nếu tình trạng trên không cải thiện, EU sẽ xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn với tôm Việt Nam, kể cả việc tạm đình chỉ nhập khẩu.

VASEP đã đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo, kiểm soát chặt vấn đề trên ở các vùng nuôi tôm, không làm ảnh hướng xấu tới xuất khẩu tôm sang EU cũng như Nhật Bản. Được biết, chỉ trong chưa đầy 4 tháng đầu năm 2014, đã có tới 11 lô hàng tôm nuôi xuất khẩu vào hai thị trường trên bị cảnh báo.

Đầu năm 2014, VASEP cũng dự báo năm 2014, xuất khẩu tôm có thể vẫn duy trì kết quả đạt 3 tỷ USD nếu các vấn đề về con giống, hóa chất kháng sinh được quan tâm và sớm có giải pháp, bởi nguồn cung tôm thế giới có thể sẽ hồi phục do kiểm soát hội chứng tôm chết sớm tốt hơn và thị trường nhập khẩu sẽ lại quan tâm đến kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nhất là hóa chất, kháng sinh. Tuy vậy, hiện tình trạng người nuôi tôm có dấu hiệu sử dụng tràn lan chất OTC và không theo hướng dẫn nên sau khi thu hoạch, nguy cơ tôm nhiễm OTC là rất lớn. Đây là một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng như mục tiêu đưa Việt Nam vào top 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới bên cạnh Ấn Độ và Indonesia.

Lê Hường Seatimes, 30/04/2014