TIN THỦY SẢN

Lạm dụng kháng sinh – Mối nguy khôn lường

Tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh để phòng, trị bệnh tỷ lệ nghịch với mức độ công nghệ, kỹ thuật của người nuôi. Ảnh minh họa: Tepbac Lý Vĩnh Phước

Nuôi trồng thuỷ sản đang đối diện với những khó khăn do việc dùng lạm dụng hoá chất, kháng sinh gây ra.

Thẳng thắng đối diện thực trạng

Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh tại các trang trại đại loại là:

- Phối hợp cùng lúc 2, thậm chí 3 loại kháng sinh để điều trị bệnh nhưng không nắm rõ cơ chế phối hợp thuốc, hay hoạt tính dược lực, chỉ định sử dụng,… đặc biệt là tương tác thuốc giữa các nhóm kháng sinh, đề kháng kháng sinh, thu hẹp phổ kháng khuẩn. 

- Liều dùng tăng dần ở lần điều trị sau, khi điều trị bệnh lần đầu chưa thuyên giảm.

- Tần suất sử dụng liên tục trong ngày, như một thói quen trong quá trình nuôi. 

- Thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài, không tập trung giải độc, phục hồi gan, hệ tiêu hoá sau khi sử dụng. Điều này gây khó khăn cho cơ chế tiết enzym tiêu hoá, giảm chức năng tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá thức ăn, biến dưỡng protein của gan. 

Ngoài những kháng sinh chuyên biệt dùng trong nuôi thuỷ sản, người nuôi còn sử dụng kháng sinh dùng cho người, kháng sinh nguyên liệu, kháng sinh không rõ nguồn gốc, kháng sinh cấm... Tác động tiêu cực đến tôm, cá: Gây chậm lớn, chai còi, dị hình, dị tật, ảnh hưởng tỷ lệ sống. 


Sử dụng kháng sinh cho người trên động vật thủy sản cần phải dừng lại trước khi quá muộn. Ảnh minh họa

Lạm dụng kháng sinh và mối nguy khôn lường

Sử dụng kháng sinh thường xuyên với liều và tần suất sử dụng tăng dần, gây lờn thuốc ở vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự hình thành các chủng gây bệnh mới, có khả năng đề kháng kháng sinh, xuất phát từ việc dùng lạm dụng kháng sinh, hậu quả làm tăng tỷ lệ cá, tôm nhiễm bệnh, giảm tỷ lệ sống. 


Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi một loại vi sinh vật tiến hóa để đề kháng mạnh hơn hoặc hoàn toàn với kháng sinh mà trước đây có thể trị được. Ảnh: hcmbiotech

Sử dụng kháng sinh thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, dư lượng tồn lưu trong cơ thể cá, tôm, giảm giá trị hàng hoá khi xuất bán, khó khăn mở rộng thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Hạn chế dùng kháng sinh có phổ kháng khuẩn hẹp, do giới hạn hiệu quả tác động lên chủng gây bệnh. Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đủ liệu trình. Cập nhật thông tin về tình hình dịch tễ, khả năng nhạy cảm kháng sinh của hệ vi khuẩn, để có kế hoạch sử dụng kháng sinh hiệu quả. Bà con nên hạn chế kết hợp nhiều loại kháng sinh trong điều trị bệnh tôm, cá. Tránh hình thành chủng gây bệnh mới, chủng gây bệnh kháng thuốc. Bà con không nên sử dụng kháng sinh, kết hợp với vi sinh, vì kháng sinh sẽ tiêu diệt vi sinh vật hữu ích, điều đó gây lãng phí, không phát huy được vai trò của vi sinh. 

Sử dụng kháng sinh điều trị bệnh cá, tôm, bà con nên đồng bộ các biện pháp hỗ trợ kèm theo. Thời gian dùng kháng sinh không quá 5 ngày, sau thời gian dùng kháng sinh, cần phải bổ sung chất giải độc gan như Sorbitol, Methionine, Choline, Inositol. Sau khi giải độc gan, hỗ trợ thêm chất tăng cường đề kháng như Beta glucan, Lipopolysaccharide, Peptidoglycan, vitamin C, B12…Bổ sung Enzyme tiêu hoá, vi sinh đường ruột, phục hồi lại hệ sinh có lợi trong đường tiêu hoá cho cá, tôm. Ổn định các thông số môi trường, hạn chế các thông số này biến động, gây sốc cho tôm, cá. 

Việc nuôi tôm, cá thâm canh với mật độ cao và sử dụng thức ăn công nghiệp làm môi trường rất dễ ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh hình thành, bùng phát. Song, thời tiết, khí hậu, diễn biến phức tạp là mối nguy tiềm ẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cá, tôm nuôi bất cứ lúc nào. Chủ động phòng bệnh cho tôm, cá nuôi, sẽ cho hiệu quả, an toàn, bền vững và ít tốn kém hơn so với việc dùng kháng sinh, hóa chất điều trị khi dịch bệnh xảy ra. 

Lý Vĩnh Phước